Đền Fushimi Inari: Lối vào một thế giới huyền bí
Fushimi Inari-taisha – ngôi đền nổi tiếng linh thiêng ở Kyoto, Nhật Bản, được biết đến là đền thờ đứng đầu trong số 3 vạn đền thờ Inari-jinja trên khắp nước Nhật. Ngôi đền thường được gọi với cái tên thân thuộc là Oinari-san. Với lịch sử lâu đời cùng kiến trúc độc đáo, ấn tượng, đền thờ Fushimi Inari-taisha luôn có sức hút lớn đối với đông đảo du khách khi có dịp đến với vùng đất cố đô nước Nhật – Kyoto.
Đôi nét về đền Fushimi Inari-taisha
Fushimi Inari-taisha là ngôi đền chính trong hệ thống 32.000 đền thờ thần Inari trên khắp lãnh thổ Nhật Bản. Đền tọa lạc dưới chân núi Inari thuộc Fushimi-ku – Kyoto. Tương truyền, đền Fushimi Inari-taisha được xây dựng vào năm 711. Khu thánh địa của đền rộng 870.000m2 với trung tâm là núi Inari-yama.
Fushimi Inari-taisha là ngôi đền chính trong hệ thống 32.000 đền thờ thần Inari trên khắp lãnh thổ Nhật Bản
Đền thờ Fushimi Inari-taisha nổi tiếng với đường hầm Zenbon Torii với hàng nghìn cổng Torii màu đỏ son nằm trong khuôn viên. Hằng năm, có rất đông du khách đến thăm đền để cầu nguyện làm ăn phát đạt, kinh doanh thuận lợi. Đặc biệt, để ước nguyện thành sự thật hoặc cảm ơn vì ước nguyện đã đạt thành, người ta mang nhiều cổng Torii đặt ở đền. Hiện tại, số lượng cổng Torii tại đền đã lên đến khoảng 10.000 cổng.
Vị thần được thờ ở đền Fushimi Inari-taisha là thần Inari-Daimyojin nổi tiếng linh ứng với những lời cầu nguyện về mùa màng bội thu, kinh doanh thịnh vượng. Ngoài ra, vị thần này cũng phù hộ gia đạo bình an, giao thông an toàn, thăng hoa trong nghệ thuật… Do đó, từ xa xưa thần Inari-Daimyojin đã được dân chúng rất tín ngưỡng. Vị thần được thờ ở đền Fushimi Inari-taisha được cho là mang cốt cáo nên ở gần đền thờ có rất nhiều cửa hàng bánh gạo Inari có trang trí hình mặt cáo.
Năm 1499, khu chính diện của đền được xây dựng lại. Hiện nay, đền Fushimi Inari-taisha đã được công nhận là tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản.
Khi vừa bước qua khỏi cổng Torii, bạn sẽ thấy nơi chiêm bái ở Okusha – đền thờ sâu bên trong, có tên gọi thông thường là Oku-no-in. Gần khu vực này có viên đá Omokaru-ishi. Tương truyền, nếu nhấc viên đá lên mà cảm thấy nhẹ thì sẽ đạt được điều ước. Ngoài ra, tại núi Inari-yama còn có nhiều đền thờ phụ nhỏ khác. Trong số đó, đáng chú ý nhất là Ichinomine (Kamisha Shinseki) nằm ở độ cao 233m.
Nét đặc trưng độc đáo của đền Fushimi Inari-taisha
Trong tín ngưỡng của người Nhật Bản, cổng Torii rất quan trọng. Thế nhưng, hầu như mỗi ngôi đền Thần đạo ở Nhật thường chỉ có một cánh cửa Torii, chỉ có duy nhất đền Fushimi Inari-taisha là có số lượng nhiều cổng Torii đến như vậy. Mỗi một chiếc cổng đều khắc tên của những nhà hảo tâm đã đóng góp và xây dựng đền. Mỗi chiếc cổng có giá trị lên đến hàng nghìn yên thậm chí hàng triệu yên.
Màu đỏ của những cánh cổng Torii mang ý nghĩa ngăn ngừa và xua đuổi ma quỷ, bảo vệ con người khỏi bất hạnh
Màu đỏ của những cánh cổng mang ý nghĩa đặc biệt với tôn giáo Shinto. Nó có thể ngăn ngừa và xua đuổi ma quỷ, bệnh tật đồng thời bảo vệ con người khỏi những điều bất hạnh để gặp nhiều may mắn hơn.
Khi đi dưới những cánh cổng Torii, bạn sẽ thấy choáng ngợp bởi không gian thần bí mà chúng tạo nên. Tầm nhìn của bạn bị che phủ hoàn toàn bởi một màu đỏ son tươi sáng, ngay cả cảm giác về khoảng cách gần xa cũng không thể nắm bắt được. Tiếng nước chảy từ xa, tiếng chim hót văng vẳng, bầu không khí trong trẻo, dù nhìn về trước hay ngoảnh lại đằng sau cũng chỉ toàn cổng Torii. Người ta thường nói rằng, nếu có lối dẫn vào thế giới khác thì chắc chắn là ở nơi này.
Nhắc đến đền Fushimi Inari-taisha, ngoài số lượng lớn cổng Torii cũng phải nhắc đến công trình kiến trúc Phật giáo ấn tượng, hòa hợp với thiên nhiên trong lành. Đây chính là điểm tham quan thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
Một biểu tượng khác của đền thờ Fushimi Inari-taisha là vô số tượng cáo. Trong tín ngưỡng của người Nhật, cáo được xem là sứ giả của thần Inari. Các bức tượng cáo ở đền thường ngậm một chiếc chìa khóa trong miệng, là chìa khóa mở kho lúa gạo. Nhiều tượng khác ngậm trong miệng viên ngọc, tượng trưng cho linh hồn của thần linh.
Ngoài ra, tại đền thờ, bạn cũng sẽ tìm thấy được những tấm thẻ có tên là Ema. Hãy viết những lời cầu nguyện lên tấm thẻ này và treo lên. Bạn có thể mua chúng ngay tại bên trong đền.
Bạn có thể mua những tấm thẻ Ema để viết lên những lời cầu nguyện và treo lên
Đa số du khách khi đến đền Fushimi Inari-taisha sẽ đi một đường vòng ngắn qua các đường hầm ở chân núi. Tuy nhiên, một gợi ý hay là nên đi theo con đường vắng vẻ hơn, kéo dài khoảng hai giờ lên đến đỉnh và vòng quanh núi. Điều này rất xứng đáng với công sức bỏ ra nhờ những khung cảnh tuyệt đẹp bao quát thành phố Kyoto.
Khi đi bộ xuyên qua những cánh rừng rộng lớn trên núi, bạn sẽ cảm thấy như đã để lại sau lưng cuộc sống bận rộn thường ngày để yên tâm tận hưởng khung cảnh thiên nhiên xung quanh. Trên chặng đường về, bạn có thể ghé qua các hàng quán để thưởng thức vài món ăn hay kem để phục hồi năng lượng.
Thời điểm lý tưởng để đến thăm đền Fushimi Inari-taisha
Trong tháng 2, vào ngày Hatsu-uma, thời điểm mà người ta cho rằng thần linh giáng xuống Inari, đền thờ Fushimi Inari-taisha tiến hành nghi lễ cầu phúc với tên gọi là Hatsu-uma-mode. Vào ngày này, người đến viếng đền sẽ được phát cho một nhánh tuyết tùng nhỏ và nó được xem là bùa hộ mệnh giúp gia đạo bình an, kinh doanh thịnh vượng.
Trong khoảng thời gian từ ngày Shinkosai (ngày chủ nhật gần ngày 20/4 nhất) cho đến ngày Kankosai (ngày 3/5), tại đền diễn ra lễ hội Inari-matsuri – một lễ hội được lưu truyền thời Heian cho đến tận ngày nay. Trong lễ hội, 5 chiếc kiệu sẽ được khiêng đi vòng quanh khu vực sinh sống của những người dân là tín đồ của đền thờ. Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về các nghi lễ và lễ hội truyền thống vừa nêu thì có thể đến thăm đền Fushimi Inari-taisha trong khoảng thời gian diễn ra lễ hội.
Vé vào đền hoàn toàn miễn phí nên bạn có thể tham quan cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, nếu bạn muốn mua bùa hộ mệnh thì phải đến đền trong thời gian từ 7:00 – 18:00. Nếu muốn tham gia buổi lễ cầu bình an thì hãy đến cầu nguyện trong khung giờ từ 8:30 – 16:30.
Ngoài ra, mùa thu cũng được cho là thời điểm đẹp nhất để đến thăm đền Fushimi Inari-taisha. Trong khung cảnh thiên nhiên lãng mạn với sắc vàng, sắc đỏ của rừng cây đang mùa thay lá, bạn sẽ có cảm giác như mình đang lạc vào chốn thần tiên nào đó mà không nỡ thoát ra vậy. Khung cảnh thành phố nhìn từ đền xuống vào mùa này cũng đẹp không kém. Nếu bạn muốn tận hưởng cảm giác tươi mới của những ngày đầu năm, ngắm các loài hoa nở rộ thì hãy chọn mùa xuân đến đến thăm đền.
Một điều lưu ý nho nhỏ mà bạn nên nhớ: đường lên đền là các con đường mòn, bạn nên tránh những ngày mưa, ngày lạnh để đảm bảo an toàn và có một chuyến đi thuận lợi và đẹp nhất. Ngoài ra, bạn cũng nên cẩn thận một chút nếu đến thăm đền vào thời điểm mặt trời lặn nhé.
Trải nghiệm ẩm thực thú vị tại đền Fushimi Inari-taisha
Một trong những điều bạn không nên bỏ lỡ khi đến đền Fushimi Inari-taisha là thưởng thức bánh Inarizushi để có thêm may mắn. Bánh có thể là bánh ngọt hoặc bánh mặn nên bạn có thể thoải mái lựa chọn.
Bạn có biết đến truyền thuyết của đền với vở kịch No nổi tiếng của Sanzo Konaji hay không? Truyền thuyết này kể về việc thần Inari đã giúp thợ rèn Sanjou Munechika rèn thanh bảo kiếm Kogitsune-Maru nghĩa là con cáo nhỏ. Từ ấy cáo như là biểu tượng của đền.Vậy nên món ăn thứ hai bạn nên thử ở đây là mỳ cáo (kitsune udon). Mì này rất đơn giản, chỉ là chan nước dùng ăn kèm với đậu mỏng rán vàng nhưng vì cách nêm nếm gia vị khéo léo, chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng.
Mỳ kitsune udon cũng là món ăn tuyệt vời mà bạn nên thưởng thức khi đến thăm đền Fushimi Inari-taisha
Thật sự đền Fushimi Inari-taisha là một điểm đến rất tuyệt vời dành cho mọi du khách. Nơi đây không chỉ có phong cảnh đẹp mà còn có vô vàn điều thú vị khác để ai ai cũng có thể trải nghiệm. Hơn nữa, đến thăm đền cũng là một cách để tìm hiểu rõ hơn về tín ngưỡng của người Nhật.
Nguồn tổng hợp