Thành cổ Lệ Giang và những giá trị văn hóa lịch sử ngàn năm tuổi
Thành cổ Lệ Giang được xây dựng từ thời Tống – Nguyên, nằm trên độ cao 2.400m cao nguyên Vân Quý. Nơi đây nổi tiếng với phong cảnh hữu tình và những giá trị văn hóa lịch sử ngàn năm tuổi.
Thành cổ Lệ Giang và những giá trị văn hóa lịch sử ngàn năm tuổi
Có thể nói du lịch Lệ Giang là một trong những điểm yêu thích của du khách Việt. Đặc biệt đã nhắc đến thành phố này không thể không nhắc đến thành cổ Lệ Giang, địa điểm thu hút lượng khách du lịch vô cùng lớn hàng năm.
Thành cổ Lệ Giang hay còn gọi là “Đại Nghiên”. Đây là trung tâm lịch sử của thành phố Lệ Giang, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Với lịch sử hơn 1.000 năm là nơi hợp lưu buôn bán dọc theo đường mòn Trà mã đạo, con đường được biết đến như là “Con đường tơ lụa Tây Nam”, thành cổ Lệ Giang đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1997.
Đại Nghiên có nghĩa là “nghiên mực lớn”, có thể xem đây là cách ví von thi vị nhưng rất chính xác của người xưa bởi nơi này giống như một nghiên mực khổng lồ, nước từ trung tâm chảy theo những con mương nhỏ len lỏi đến mọi nơi trong thành cổ, tạo nên một trấn cổ có “một – không – hai”.
Lệ Giang có nghĩa là dòng sông đẹp, tượng trưng cho một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây, đó là nước. Sông Ngọc Hà (Jade Water) mang cái tinh khiết của núi non, chảy quanh thành cổ, chia nhỏ Lệ Giang thành vô vàn ốc đảo, nối nhau bằng 354 chiếc cầu đá; cấu trúc phức hợp đó làm cho Lệ Giang càng trở nên độc đáo.
Thành cổ Lệ Giang được xây dựng từ thời Tống – Nguyên, là nơi sinh sống của các dân tộc như Bạch, Nạp Tây, Tạng. Nằm trên độ cao 2.400m trên cao nguyên Vân Quý, nơi đây có những phong cảnh hữu tình và những giá trị văn hóa truyền thống của những dân tộc khác nhau hòa quyện thành một cảnh sắc cổ kính với những giá trị nổi bật. Đến nay cấu trúc đô thị cổ vẫn gần như nguyên vẹn với giá trị lịch sử và văn hóa độc đáo.
Nền văn hóa ở đây là sự kết hợp giữa văn hóa của người Nạp Tây với các yếu tố trái ngược của những thương nhân người Hán định cư ở khu vực này từ nhiều thế kỷ trước. Người Nạp Tây đã sống trong những ngôi nhà bằng gỗ và gạch bùn mà họ học được từ các thương nhân Nam Kinh. Thợ mộc địa phương xây dựng các khung nhà gỗ công phu theo trí nhớ mà không cần phải có bất kỳ bản thiết kế hay sơ đồ nào khác.
Những ngôi nhà này thường được tô điểm bởi các chi tiết chạm khắc hoa văn và chim chóc trên cửa sổ. Các chạm khắc hiện được thực hiện bởi các nghệ nhân dân tộc Bạch, nhưng sự chú ý được dành cho việc mô tả hệ động thực vật bốn mùa theo truyền thống của người Hán. Ngay cả các gia đình nông nghiệp nghèo khó cũng thu thập những gì họ có được để lắp các cửa sổ chạm khắc tỉ mỉ, và dường như coi chúng quan trọng hơn đồ nội thất cho ngôi nhà.
Từ ngày 4 tháng 12 năm 1997, sau khi được công nhận là Di sản thế giới, chính quyền địa phương đã có những biện pháp và trách nhiệm nhiều hơn về sự phát triển du lịch đi cùng với bảo tồn thành cổ Lệ Giang. Nhờ đó, du lịch Lệ Giang trong vòng 20 năm qua đã phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Theo iVIVU.com