Có gì trong mâm cỗ Tết của 3 miền?

Dù có sự khác biệt lớn từ cách bày biện, nấu nướng cũng như những quan niệm về mâm cỗ Tết của ba miền Bắc – Trung – Nam, thế nhưng tất cả đều mong muốn bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, cầu chúc cho một năm mới an khang và thịnh vượng.


Với người dân Việt Nam, mâm cỗ Tết luôn mang một ý nghĩa hết sức quan trọng, thế nên ai nấy đều cố gắng chuẩn bị một mâm cỗ thịnh soạn và đầy đủ nhất có thể. Tuy nhiên, ở mỗi một vùng miền trên cả nước lại có sự khác biệt trong mâm cỗ ngày tết, từ đó tạo nên một nét văn hóa ẩm thực Việt Nam độc đáo mà chẳng nơi nào sánh bằng. Dù có sự khác biệt lớn từ cách bày biện, nấu nướng cũng như những quan niệm về mâm cỗ Tết của ba miền Bắc – Trung – Nam, thế nhưng tất cả đều mong muốn bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, cầu chúc cho một năm mới ấm no, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng.

MÂM CỖ TẾT MIỀN BẮC

Ẩm thực miền Bắc mà nhất là ẩm thực Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng cầu kỳ và tinh tế với lịch sử nghìn năm văn hiến. Do vậy, mâm cỗ của người dân nơi đây cũng được đánh giá là chuẩn mực và bài bản bậc nhất cả nước.

Sự cầu kỳ và chuẩn mực ấy được thể hiện trước hết ở việc chế biến món ăn. Tiếp đến là khâu bày biện món ăn trong mâm cỗ. Thông thường, mâm cỗ Tết ở đây được bày biện theo số chẳn, tùy từng gia đình mà họ chuẩn bị mâm cỗ theo số lượng phù hợp. Gia đình nào khá giả thì có thể bày 8 bát 8 đĩa, theo đó 8 bát thường sẽ có miến lòng gà, vây cá thủ, măng hầm chân giò, chim hầm, gà tần, bóng bì, mực. Còn 8 đĩa là thịt gà luộc, bánh chưng, giò lụa, chả quế, dưa hành, giò thủ, thịt nấu đông… Những nhà bình dân hơn thì có thể dọn mâm cỗ tết với 4 bát 4 đĩa, hay 6 bát 6 đĩa, hoặc 6 bát 8 đĩa… tượng trưng cho sự phát lộc phát tài.

Không chỉ có thế, các món ăn trong đó cũng phải tuân theo những yêu cầu riêng. Ví dụ như bánh chưng thì phải cắt ra thành 8 miếng đều nhau, đi kèm là đĩa dưa hành muối. Gà luộc phải là gà trống để nguyên con và xếp cánh tiên. Còn các loại giò lụa, chả quê thường sẽ cắt làm 6 và xếp thành hình bông hoa. Ngoài ra, còn có thể bày thêm một vài món khác như mứt sen, mứt gừng, chè kho… để mâm cỗ Tết thêm đa dạng và đầy đủ hơn. Đặc biệt là bát đĩa dùng trong mâm cỗ cũng phải đồng bộ với nhau, không được dùng lộn xộn, có như vậy thì mâm cỗ tết trông mới sạch sẽ và đẹp mắt.

Trước kia, người miền Bắc còn bày cỗ theo kiểu xếp món ăn lên một cái mâm đồng, sau đó tiếp tục chồng lên nhau 2 đến 3 mâm đồ ăn như vậy, nhưng theo thời gian, mâm cỗ Tết miền Bắc cũng ít nhiều sự thay đổi cho đơn giản hơn nhưng dẫu vậy vẫn phải đảm bảo sự tinh tế và hài hòa.

MÂM CỖ TẾT MIỀN TRUNG

Đất miền Trung xưa nay lúc nào cũng phải hứng chịu nhiều sự khắc nghiệt từ thiên nhiên, thế nên mâm cỗ ngày Tết của người dân nơi đây thường được chế biến đơn giản hơn và cũng không có quá nhiều yêu cầu khắt khe như người miền Bắc. Tuy nhiên vẫn phải chuẩn bị đầy đủ các món ăn truyền thống của địa phương. Thường thì ở địa phương nào có món đặc sản gì thì nhất định sẽ xuất hiện trong mâm cỗ Tết. Chẳng hạn như ở Bình Định thì sẽ có nem chua hay rượu Bầu Đá, còn như ở Huế thì có mắm tôm chua và rượu Minh Mạng…

Mâm cỗ Tết ở Huế

Bên cạnh đó là những món ăn không thể thiếu như bánh tét nhân đậu xanh thịt heo, thịt gà luộc, trứng chiên, đồ xào, chả ram, cơm trắng, thịt heo ngâm nước mắm… và đĩa dưa món chua ngọt được làm từ cà rốt, củ kiệu, đu đủ. Đặc biệt ẩm thực miền Trung còn nổi tiếng với các món bánh tráng cuốn và chấm nên mâm cỗ Tết sẽ có cả những món thịt heo luộc, nem chả các loại và rau sống tươi ngon.

Nghệ nhân ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh đang thực hiện mâm cỗ Tết ở Huế

Ngoài ra trong mâm cỗ của người miền Trung còn có các loại bánh đặc sản như bánh ít, bánh thuẫn, bánh tổ, bánh in… Những món ăn này đêù được đựng trong những dĩa hay chén nhỏ và xếp cạnh nhau thành một hình tròn, tượng trưng cho sự tiết kiệm và chia sẻ. Tất cả đã tạo nên một mâm cỗ Tết thịnh soạn mang đậm nét văn hóa địa phương.

MÂM CỖ TẾT MIỀN NAM


Người miền Nam có tính cách phóng khoáng, giản dị, nên họ cũng không khắt khe trong việc ăn uống. Cũng vì thế mà mâm cỗ Tết miền Nam giản dị hơn so với miền Bắc nhiều phần, nhưng không hề xuề xòa mà vẫn đủ đầy những món ăn truyền thống được bày biện đẹp mắt.

Những món ăn không bao giờ thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người miền Nam là bánh tét, canh khổ qua nhồi thịt và thịt kho tàu hay còn gọi là thịt kho hột vịt. Khác với bánh tét miền Trung chỉ có nhân đậu xanh hoặc nhân đậu kèm thịt heo thì bánh tét miền Nam lại có phần nhân đa dạng hơn, có thể là nhân thịt, có khi là nhân chuối hay nhân đậu đỏ… tùy theo khẩu vị và sở thích của từng người. Người miền Nam còn quan niệm rằng, món canh khổ qua nhồi thịt mang ý nghĩa tiễn đi những điều không vui của năm cũ và đón chào những điều tốt đẹp may mắn trong năm mới. Hay món thịt kho tàu thì lại mang tính phong thủy, tượng trưng cho sự hài hòa âm dương nên khi ăn sẽ giúp cân bằng năng lượng trong cơ thể.


Nếu như người miền Bắc thích ăn dưa hành, người miền Trung chuộng củ kiệu, thì người miền Nam lại ghiền món dưa giá và dưa muối. Cứ đến thời điểm cận kề tết, nhà nào cũng sẽ trữ cho mình một hũ dưa giá thật to để ăn cùng với các món ăn khác vừa kích thích vị giác lại vừa có tác dụng chống ngấy vô cùng hiệu quả.


Bên cạnh đó, một số gia đình còn chuẩn bị thêm vô vàn những món ăn ngon khác như bì cuốn, lạp xưởng, thịt gà luộc xé phay, chả hoa… cùng với đó là các loại bánh mứt như mứt dừa, mứt mãng cầu, mứt bí, mứt me… để mâm cỗ ngày Tết thêm trọn vẹn.

Mèo Mứt- Nguồn: Tổng hợp