Các món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Bắc
Việt Nam trải dài từ bắc xuống nam, mỗi miền lại mang sắc thái văn hoá khác nhau. Một năm sắp qua đi, người dân cả nước đều đang tất bật chuẩn bị cho mâm cỗ những ngày Tết Nguyên Đán sắp tới. Mỗi miền lại có những món ăn truyền thống khác nhau. Dù cuộc sống hiện đại và nhịp sống bận rộn khiến mâm cỗ Tết có sự thay đổi mỗi nơi một khác nhưng vẫn có những món truyền thống không thể thiếu
1. Bánh chưng: Biết ơn cha ông và đất trời xứ sở
Nhắc đến Tết không thể không nói đến bánh chưng xanh. Bánh chưng được coi là linh hồn của ngày Tết, có lịch sử rất lâu đời trong nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam và là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc. Bánh chưng được làm từ những nguyên liệu rất gần gũi với người Việt như gạo, đỗ xanh, thịt lợn. Một chiếc bánh chưng ngon cần được nấu bằng loại gạo nếp hạt dài, chắc mẩy, to đều và thơm mới, thịt lợn sử dụng phải là thịt ba chỉ nạc mỡ đan xen, đỗ xanh cần được ngâm và đãi sạch vỏ, màu vàng óng. Về hình thức bánh phải được gói vuông vắn bằng lá dong sau đó được đem luộc trong khoảng 10 – 12 giờ để bánh được chín đều. Bánh khi chín đạt chuẩn sẽ thơm mùi thơm của gạo nếp, ngậy béo của thịt, đỗ xanh.
Theo truyền thống của người Việt, mỗi khi Tết đến Xuân về các gia đình sẽ cùng nhau quây quần gói bánh, nhóm bếp nấu Bánh Chưng. Những tấm bánh vuông vức được gói khéo léo, tỉ mẩn vừa tượng trưng cho đất trời vừa là biểu tượng cho ẩm thực ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên hiện nay, không còn nhiều gia đình giữ thói quen gói bánh chưng ngày Tết mà thường đi mua hoặc đặt làm. Song dù là tự tay gói bánh, mua sẵn hay được biếu tặng thì bánh chưng xanh cũng luôn là một món không thể thiếu của mọi nhà.
Bánh chưng có từ hàng ngàn năm trước và cho tới bây giờ, hương vị giản dị của bánh vẫn chẳng hề thay đổi nhưng giá trị lịch sử của nó vẫn luôn được nâng lên theo thời gian. Có thể nói, bánh chưng trong tâm thức người Việt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là món ăn đặc trưng của dân tộc trong những ngày đầu năm mới. Người ta vẫn hay nói Bánh Chưng là biểu tượng của trời và đất, bày tỏ lòng biết ơn đến những vị vua cha. Vì thế nên trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình Việt không thể thiếu được cặp bánh chưng xanh.
Bánh chưng không chỉ là một món ăn truyền thống ngày Tết miền Bắc ở Việt Nam mà đó còn là một dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nồi bánh chưng ấm áp kể cho nhau nghe về những điều đã qua, những dự định tương lai và bao câu chuyện khác.
Ngoài việc là biểu tượng của ngày Tết, của mâm cơm cổ truyền miền Bắc, Bánh Chưng còn là món quà đặc sắc để biếu tặng khách, đối tác thể hiện những mong ước tốt lành, ẩn chứa nhiều ý nghĩa văn hóa, tinh thần độc đáo và thú vị.
2. Gà luộc: Cầu gì được nấy, phúc đức tràn đầy
Không biết từ bao giờ mà trong mọi mâm cỗ từ đám cưới, đám hỏi, mừng thọ, tân gia thì không thể không có món thịt gà luộc đặc biệt là trong những ngày Tết. Gà có thể cúng nguyên con hoặc gà chặt xếp ra đĩa. Vị ngọt thơm của miếng thịt gà ăn kèm với lá chanh, chấm muối chanh ớt sẽ tạo nên một hương vị riêng rất khó quên.
Bạn có từng thắc mắc tại sao mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc lúc nào cũng cần có gà không? Theo dân gian, khi tiếng gáy đầu tiên trong ngày của gà trống cất lên, ấy là lúc bình minh ló dạng, mặt trời bắt đầu xuất hiện xua tan màn đêm tăm tối. Người ta coi đêm giao thừa là thời điểm tối tăm nhất, chính vì vậy nhà nhà bảo nhau cúng một con gà trống với hy vọng sẽ đánh thức mặt trời cho một năm đủ đầy ánh sáng, thể hiện mong ước “mưa thuận gió hoà”, rũ bỏ những điều không may, đón một khởi đầu mới sức sống mới.
Người châu Á nói chung và người miền Bắc nói riêng tin rằng màu da vàng óng mỡ màng mang đến nhiều điều may mắn và thuận lợi. Năm mới là thời điểm của niềm hy vọng, lời chúc tốt đẹp cho nhau năm mới an, khang thịnh vượng. Gà luộc tượng trưng cho cuộc sống ấm no, an khang. Vì thế, trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc thường khởi đầu một năm mới với món gà luộc vàng óng để gia đình có được khởi đầu may mắn và cầu gì được nấy.
3. Nem rán: Trên thuận dưới hòa, giàu sang phú quý
Món ăn này được rất nhiều người ưa thích và coi là “quốc hồn quốc túy” của người Việt. Đặc biệt trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc, món nem rán đã trở thành đặc trưng và là món ăn không thể thiếu. Một chiếc nem ngon và đạt chuẩn cần có bên ngoài chiên vàng óng, nhân thịt, mộc nhĩ bên trong vẫn giữ được độ ẩm, thơm và mềm. Tuỳ từng nơi có thể thêm thịt tôm hoặc hải sản để tạo độ ngọt và khác lạ cho món nem. Tuy nhiên phần nhân truyền thống thường được làm từ miến, mộc nhĩ, nấm hương, cà rốt, giá đỗ, hành lá, thịt xay và trứng gà. Nhân được cuộn với bánh đa nem rồi đem rán giòn.
Món nem rán hấp dẫn thường được ăn kèm với nước chấm chua ngọt để làm dậy vị cho món nem. Món nước chấm ngon sẽ khiến món nem ăn không bị ngán, khiến món nem ngon hơn và ngược lại. Chính vì thế nước chấm nem rán phải pha chế thật khéo điều hòa giữa vị mặn của nước mắm ngon, vị ngọt của mì chính, đường, vị chua của chanh (hay giấm) rồi hòa chung với nước lọc, thêm vào ít tỏi băm nhỏ, vài lát ớt tươi sao cho vừa đủ độ mặn, ngọt, chua, cay, dậy mùi thơm của tỏi, ớt.
4. Giò lụa, giò xào: Trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà
Cũng không rõ từ khi nào giò lụa, giò xào (giò thủ) lại trở thành những món ăn cổ truyền trong ngày Tết. Chỉ biết rằng món giò lụa dai mịn; giò xào không ngấy lại có chút giòn giòn từ các nguyên liệu như tai heo, mộc nhĩ… đã hấp dẫn bất cứ ai thưởng thức.
Thịnh hành trong ẩm thực Việt Nam từ Bắc xuống Nam, giò lụa là một món ăn thường xuyên xuất hiện trong những bữa ăn của người dân Việt Nam và không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết. Giò lụa truyền thống được làm từ 3 nguyên liệu chính là thịt nạc thăn giã nhuyễn kết hợp cùng nước mắm ngon, các gia vị như bột năng, bột nở, đường, bột nêm, tiêu trắng, nước mắm… sau đó gói trong lá chuối xanh và đem luộc chín. Nguyên liệu để làm giò lụa có thể bằng thịt lợn hoặc thịt bò đều rất ngon. Phân thịt được bó chặt trong khuôn, bó lá chắc nhiều lớp có ý nghĩa là “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà” một phần không thể thiếu của ẩm thực Việt. Những miếng giò trắng mịn, giòn dai, thơm ngon không chỉ là món ăn ngon mà có thể dành tặng cho những thành viên trong gia đình mình.
Giò xào cầu kỳ hơn với phần nhân gồm có thêm các nguyên liệu như tai heo, nấm hướng. mộc nhĩ để đem đến vị thơm, độ giòn nhất định không bị ngán.
Khi bày cỗ, giò thường được thái theo khoanh, chia thành từng miếng gọn gàng, sắp xếp đẹp mắt và dễ gắp. Miếng giò ngon phải có màu sắc tươi tắn, đậm mùi thịt. Giò lụa, giò xào này chính là một nét ẩm thực đặc trưng trong mâm cơm đoàn viên của người miền Bắc.
5. Xôi gấc: May mắn ghé thăm, tài lộc gõ cửa
Trong mâm cỗ ngày Tết, mỗi món ăn sẽ mang một ý nghĩa, một ước mơ và khát khao riêng của con người. Đặc biệt trong mâm cơm ngày Tết, người miền Bắc nói riêng và người dân Việt nói chung còn quan tâm đến cả sự hài hoà trong yếu tố màu sắc của mâm cơm. Người ta quan niệm, màu đỏ là màu mang đến sự may mắn cho mọi người, mọi nhà. Chính vì thế trong ngày Tết món xôi gấc, món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết ở miền Bắc.
Nấu xôi gấc là cả một nghệ thuật từ khâu chọn gấc, chọn gạo nếp cho đến hấp gạo cho thơm ngon. Xôi sau khi nấu phải có màu đỏ đặc trưng của quả, hương vị ngọt bùi và gạo chín đều mềm dẻo khi ăn. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo của gạo nếp, vị béo của nước cốt dừa và vị ngọt của đường.
Vì màu sắc đặc biệt của nó nên loại xôi có ý nghĩa tượng trưng cho sự may mắn, phước lành, tươi thắm sắc xuân, cho tình yêu và hạnh phúc được viên mãn. Màu đỏ của gấc là màu tự nhiên của đất trời, mang lại sự dung hòa, đồng điệu trong đời sống. . Do vậy, trong mâm cơm ngày Tết người miền Bắc luôn chuẩn bị món xôi gấc để thiết đãi mọi người, mong một năm mới nhiều điều lành sẽ đến. Một đĩa xôi gấc được đơm chỉnh chu, cân đối và đầy đặn trên mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên ngày Tết không chỉ tạo ra sự dung hòa và thuận lợi cho năm mới mà còn gửi gắm giá trị tinh thần của ngày Tết truyền thống của dân tộc.
6. Dưa hành: Tiền bạc đầy nhà, thăng quan tiến chức
Có tìm hiểu về mâm cơm Tết, mới thấy hết sự tỉ mỉ và khéo léo của ông cha ta. Một mâm cơm không chỉ dừng ở việc bày biện các món ăn, mà còn là sự hoà hợp trong ngũ hành tương sinh tương khắc. Những món ăn trên mâm không chỉ toàn cao lương mỹ vị mà còn được kết hợp hài hoà với những món ăn dân dã và giản dị. Trong đó không thể không kể đến dưa hành, món ăn có vị trí đặc biệt và là món ăn đặc trưng của mâm cơm người miền Bắc.
Dưa hành thường được sử dụng như một món gia vị ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều dầu mỡ như thịt đông, thịt kho tàu, thịt luộc cho đỡ ngán các món ăn này có trong mâm lễ thể hiện ngũ hành tương sinh tương khắc. Dưa hành không cần ăn nhiều, chỉ cần điểm xuyết nhưng nhờ nó mà người thưởng thức thấy ngon miệng trong suốt những ngày Tết. Vị cay cay, chua chua dịu nhẹ giúp dễ tiêu hóa, giảm bớt độ ngấy và mang lại cảm giác ngon miệng. Để có món dưa hành ngon thì chúng ta cần lựa chọn các củ hành chắc và già đem cắt bỏ phần lá rồi chúng ta ngâm hành vào trong nước tro có pha hàn the trong khoảng 2 ngày 2 đêm. Sau đó vớt ra để bóc vỏ và cắt rễ rồi cho vào hộp để muối với nước giấm nấu đường để nguội khoảng vài ngày sau là ăn được. Món dưa hành ngon đòi hỏi những củ hành phải trắng mịn, nổi vân xanh có độ giòn và vị chua vừa phải.
7. Canh măng khô móng giò/ Canh miến nấu măng: Vạn sự tốt lành, No đủ cả năm
Măng khô thường được biết đến là đặc sản ở các vùng miền núi nhưng từ lâu măng khô đã là nguyên liệu có mặt thường xuyên trong các gia đình vào dịp Tết đặc biệt là các gia đình miền Bắc. Có rất nhiều loại măng khác nhau như măng xé, măng lá… thế nhưng măng lưỡi lợn là lựa chọn thường thấy nhất trong mâm cỗ ngày Tết. Măng khô được luộc mềm, rửa sạch, xé sợi và đem nấu cùng với móng giò hoặc làm canh miến. Món canh vừa có mùi thơm đặc trưng của măng, mềm mềm, khiến món ăn không bị ngán.
Nồi canh măng nấu cùng chân giò là một món ăn không thể thiếu của người dân miền Bắc và của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về. Bên cạnh đó món canh miến nấu măng cũng là một trong những món ăn truyền thống của người dân miền Bắc. Vị béo bùi của thịt kết hợp với hương thơm thanh mát của măng tạo nên một món ăn hấp dẫn mọi thực khách. Trong mâm cơm cuối năm, bát canh măng nóng hổi thơm ngon sẽ khiến bữa cơm ngày cuối năm thơm phần sung túc, đầm ấm.
Đó cũng là một nét văn hóa thể hiện truyền thống của người Việt từ xa xưa với thói quen ăn những món có nguồn gốc từ thiên nhiên như măng, khoai… Thiếu đi món ăn này, mâm cơm không còn mang nét đặc trưng của ngày Tết nữa. Bát canh măng ngày Tết không cầu kì về nguyên liệu nhưng lại đặc biệt thơm ngon và đòi hỏi người chế biến nhiều công phu, tỉ mỉ.
8. Thịt đông: Trong trẻo vạn niên, tình duyên tốt đẹp
Thịt đông có lẽ là món ăn thể hiện đặc trưng của miền Bắc nhất. Sự có mặt của thịt đông trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc ngoài việc phù hợp với khí hậu lạnh giá, thích hợp để làm và ăn trong những ngày đông xuân se lạnh ra thì có ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Món ăn được làm từ tai heo, thịt chân giò (cũng có thể thêm thịt gà cho thơm), bì heo, mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu và xíu gia vị. Tất cả các nguyên liệu đều được ninh nhừ, tạo nên sự hoà quyện, tinh tuý từ những hương vị đặc trưng sánh lại với nhau. Bởi vậy, món thịt đông trong mâm cỗ như lời cầu chúc cho sự gắn kết yêu thương của các thành viên trong gia đình. Không những vậy, màu sắc trong trẻo của món ăn còn mang ý nghĩa hy vọng một năm mới may mắn, thuận lợi sẽ đến với cả gia đình.
9. Chè kho Vạn sự vuông tròn, hạnh phúc ngọt ngào
Chè kho là món ăn ngọt cổ truyền thường thấy trong ngày Tết ở miền Bắc Việt Nam. Người Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung thường dùng món ăn này để cúng Phật và gia tiên. Chè kho có vị ngọt, thơm và bổ dưỡng, ăn kèm trà nóng thích hợp với tiết trời se lạnh của những ngày Tết. Chè kho được làm từ đậu xanh không vỏ cùng với nếp, đường đỏ, nửa trái thảo quả, sấy khô, tán nhỏ rây thành bột mịn và muỗng cafe mè trắng rang chín, xát bỏ vỏ.
Việc kho chè đòi hỏi phải công phu, kỹ lưỡng. Đỗ và đường khi quyện vào nhau rất nặng tay và dễ bén nồi. Nồi chè sôi lục bục, mùi thơm ngạt ngào, đến khi ráo tay đũa là được. Chè múc ra những chiếc đĩa nông lòng lúc vừa bắc xuống bếp, dàn đều rồi rắc vừng trắng đã rang thơm lên trên. Chè đạt yêu cầu phải mịn mướt nhưng khô, róc đĩa và không dính tay. Đĩa chè có màu vàng rất đẹp cùng mùi thơm nhẹ của thảo quả. Mỗi gia đình nấu chè kho với hương vị theo khẩu vị của mình. Có nhà chè thơm mùi vani, nhà thì chè thoảng mùi thơm của thảo quả, nhà thì lại nấu chè thơm mùi hoa bưởi… Hình ảnh quen thuộc với mỗi người là chè kho được cắt thành hình hoa thị cùng ấm trà sen. Nhiều người cho rằng món chè kho mang lại sự may mắn và sung túc cho năm mới. Chính vì vậy đầu năm người ta thường nấu chè kho để thưởng thức vào ngày Tết.
Ẩm thực miền Bắc không chỉ chú trọng hương vị thơm ngon đẹp mắt của món ăn, mà mỗi món ăn còn phải có ý nghĩa tinh thần riêng, đó cũng là lời nguyện ước một năm mới sung túc và no ấm.
Nguồn tổng hợp