Du lịch Thụy Sĩ: Lucerne và chú sư tử buồn
Chẳng phải là Zurich, chẳng phải là Geneva, thành phố duy nhất ở Thụy Sỹ lọt vào top 5 các điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới do TripAdvisor lại là Lucerne.
Vì sao? Lucerne là một thành phố Thụy Sĩ điển hình. Người ta thường mong đợi nhìn thấy gì khi đi du lịch Thụy Sĩ? Những phố dài cổ kính mặc trầm, mặt hồ xanh trong vời vợi, rặng núi tuyết xa xa. Đó là những “chất liệu” kinh điển làm nên nét đẹp của Thụy Sĩ. Bạn hãy tập trung tất cả các yếu tố đó lại và sẽ mường tượng ra Lucerne.
Ảnh: Astoria-Luzern.ch
Tôi đến Lucerne vào một chiều mưa. Đang đi đến hồ Lucerne và bắt đầu đặt chân lên cầu Chapel thì trời tí tách mưa. Chiếc cầu gỗ dài trứ danh được xây lần đầu từ thế kỷ 14 này từ lâu đã được coi là biểu tượng của thành phố. Với tôi, trông Chapel tựa như Chùa Cầu ở Hội An được viền bao quanh bởi biết bao chùm hoa li ti màu hồng. Và dưới chân cầu, đàn thiên nga trắng muốt mập ú kiêu hãnh vươn cổ cao khoe vẻ đẹp tiểu thư gia cầm đài các, mặc cho trời chuyển mưa nặng hạt. Tôi đứng nép vào thành cầu giữa những trụ gỗ để tránh rét. Mưa, gió thổi từ mặt hồ lên càng làm người khách lạ phương xa co ro vì lạnh. Lucerne nhỏ bé, cổ kính chìm trong màn mưa…
Những ngôi nhà kiến trúc Trung cổ soi bóng xuống mặt hồ. Những chú chim sẻ nhỏ xíu mổ lá rơi trên hè đường. Những vỉa hè lát đá đã trăm năm tuổi, băng ghế gỗ dài đôi tình nhân nào vừa ghé qua… Lucerne ướt nhòe.
Ảnh: FlixBus
Tôi đi bộ đến bức tượng sư tử nổi tiếng của thành phố đẹp như thơ này. Bức điêu khắc hình một chú sư tử bị thương. Mark Twain đã đến nơi này và viết rằng bức tượng sư tử ở Lucerne là: “công trình bằng đá bi thương và gây xúc động mạnh mẽ nhất trên thế giới”. Hơn 100 năm sau tôi cũng đến chính nơi đó và phải thú thực rằng tôi chưa bao giờ thấy một tác phẩm điêu khắc nào gây nhiều cảm xúc mạnh mẽ như vậy. Đôi mắt và thần thái sư tử buồn bi thảm, làm người ngắm nhìn cũng phải buồn lây. Người ta tạc bức tượng này để tưởng nhớ hơn 800 người lính Thụy Sĩ đã xả thân để bảo vệ vua nước Pháp Louis XVI trong cuộc Cách mạng Pháp 1792. Hai chiếc khiên bên cạnh sư tử, một chiếc in hình hoa lily – biểu tượng của Hoàng gia Pháp – vỡ tan, tượng trưng cho sự kết thúc của triều đại Louis XVI. Nhưng chiếc khiên còn lại, mang hình dấu thập Thụy Sĩ thì vẫn còn nguyên. Vua bị hành hình nhưng lòng trung thành, quả cảm của những người lính Thụy Sĩ thì mãi in dấu đến ngàn năm, qua hình ảnh chú sư tử buồn ở Lucerne.
Ảnh: Wikimedia Commons
Bản thân Thụy Sĩ là một đất nước trung lập, không bao giờ tham gia các cuộc chiến nhưng quân đội nước này thì lại nổi tiếng tinh nhuệ, trung thành. Đó cũng là lý do vì sao cho đến ngày nay, đội cận vệ của Giáo Hoàng vẫn chỉ chấp nhận những người lính đến từ Thụy Sĩ.
Lucerne còn là nơi tôi gặp lại hình ảnh thời sinh viên của mình nhiều năm trước. Tôi ăn tối ở nhà hàng Astoria và tất cả phục vụ bàn đều là sinh viên Trung Quốc du học tại Lucerne tranh thủ làm thêm ngày cuối tuần. Hầu hết các bạn đều đang theo học ngành du lịch khách sạn – ngành đào tạo hốt bạc cho Thụy Sĩ bấy lâu. Nhìn các cô cậu tuổi đôi mươi lăng xăng chạy qua chạy lại, cung cách vẫn còn nguyên vẻ non nớt làm tôi không khỏi nhớ lại khoảng thời gian ngày trước, xa nhà, xa cha mẹ, một mình đi du học và cũng tất bật làm thêm như các bạn bây giờ.
Ảnh: Carl F. Bucherer
Đêm tối, mưa đã tạnh nhưng gió thổi càng làm da thịt tái tê vì rét. Tôi rảo bộ quay lại hồ Lucerne, ngạc nhiên nhìn dân bản xứ phong phanh quần đùi áo thun ngồi uống cà phê nhàn tản ở những hàng quán ven hồ. Cầu Chapel vào ban đêm nhìn cô đơn bởi chẳng còn bóng dáng khách du lịch nào.
À, cũng không hẳn là ban đêm đâu vì vào tháng 8, đã 9 giờ tối mà trời vẫn còn sót lại vài sợi nắng. Những đêm trắng Châu Âu… những đếm trắng Lucerne.
Biên tập Khánh Ngọc
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE