Cố đô Kyoto – Vùng đất giữ linh hồn nước Nhật
Đến Kyoto rồi, bạn sẽ tạm quên một xứ mặt trời mọc phát triển và hiện đại, bởi miền đất cố đô này mang đậm hơi thở truyền thống. Con người, góc phố hay những ngôi đền cổ, cùng hòa mình vào một nhịp sống chậm rãi và thanh bình…
Vẻ đẹp hơn một thiên niên kỷ
(Ảnh: Thạch Long)
Từ thủ đô Tokyo đi khoảng 3 giờ đồng hồ về phía Tây Nam, là đã đặt chân đến vùng đất Kyoto đầy ấn tượng. Nằm trên hòn đảo lớn nhất Nhật Bản – Honshu, cố đô là tỉnh lỵ của tỉnh Kyoto với hơn 1,5 triệu người dân đang sinh sống.
“Kyou” trong Kyoto có nghĩa là “Kinh” – nơi sống của Hoàng đế. Từ năm 794 đến năm 1868, cố đô Kyoto từng là kinh đô của đất nước Mặt Trời mọc. Trong hơn một thiên niên kỷ, Kyoto là nơi cư ngụ của Thiên hoàng và là trung tâm văn hóa, tôn giáo và chính trị của Nhật Bản, bắt đầu từ thời Heian kéo dài gần 400 năm đến các thời Kamakura, Muromachi, Azuchi-Momoyama và Edo. Vậy nên trong hơn 1000 năm này, lịch sử Kyoto chính là lịch sử của Nhật Bản.
(Ảnh: Thạch Long)
(Ảnh: Thạch Long)
Trải qua một quãng thời gian dăng dẳng như vậy, thật không lấy làm lạ khi Kyoto có một nửa số chùa miếu, đền đài, dinh thự của Nhật Bản. Chúng cổ kính và thể hiện được đặc sắc của văn hóa, chính trị và con người Kanji qua các thời kỳ. Nổi bật là 17 công trình đền chùa được UNESCO công nhận là di sản thế giới: Kamigamo, Shimogamo, Ujigami, Toji, Kiyomizu, Enryaku, Daigo, Ninna, Byodo, Kozan, Saiho, Tenryu, Kinkaku, Ginkaku, Ryoan, Hongwan và thành Nijo.
Một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới ở Kyoto là “Kiyomizu”, thờ Phật Quan Âm nghìn tay. Ngôi chùa độc đáo thu hút bởi hàng hiên gỗ lớn nhô ra trên ngọn đồi Otawa, phía trước là thung lũng thơ mộng, phía sau có thác nước chảy thành 3 dòng. Quả rất đúng với cái tên Kiyomizu, tức là dòng suối thanh khiết, ngôi chùa an yên trong lành như nghe được hơi thở của thiên nhiên. Nếu là mùa thu, Kiyomizu sẽ trở nên rực rỡ hơn với những cánh rừng lá phong đỏ.
(Ảnh: kiyomizudera.or.jp)
Đắm chìm trong hơi thở truyền thống
Những góc phố ở Kyoto không có các tòa nhà cao tầng hiện đại mà thay vào đó là những dãy nhà kiểu cũ đơn giản, mường tượng như đang lạc vào thế giới của thước phim anime. Hay những khu phố cổ hơn như Gion với các ngôi nhà gỗ truyền thống, hay những khu vườn kiểu Nhật tỉ mỉ có đủ núi đá, cây cỏ, thác nước… Mà mỗi mùa, Kyoto đều đẹp theo một cách riêng, khi xanh mát và chan hòa nắng, lúc lại lãng mạn và say đắm độ thu về.
(Ảnh: Thạch Long)
(Ảnh: Thạch Long)
Nhắc đến với Kyoto mà quên chợ Nishiki thì như Sasimi thiếu nước tương vậy! Ngôi chợ đẹp và xưa nhất xứ sở Phù Tang, được ví là “Nhà bếp của Kyoto” hay “Thủ đô của những bữa ăn truyền thống Nhật Bản”. Điểm thu hút đầu tiên của Nishiki là hàng trăm gian hàng lợp mái ngói màu sắc sặc sỡ. Rồi hơn hết, chợ bán đủ loại thức ăn, đặc biệt là những món ăn truyền thống và đặc sản nổi tiếng của địa phương như Dưa muối Tsukemono, đủ loại đậu hũ, trứng cá… Hay đồ thủ công mỹ nghệ như gốm sứ, Kimono, quạt giấy, khăn thấm dầu…
Một góc của chợ Nishiki (Ảnh: Thạch Long)
Ngoài ra, nhắc tới Kyoto còn phải nhắc đến gốm sứ. Kyoto đã có một thời thực sự huy hoàng, đặc biệt là từ thế kỷ 14, phát triển mạnh và nổi tiếng khắp nơi. Kyo-yaki và Kiyomizu-yaki, hai loại gốm sứ điển hình nhất của Kyoto, được làm thủ công tinh xảo với những hoa văn đẹp mắt, một số còn đặc biệt giá trị khi được phủ bạc, phủ vàng. Cả hai không cố định loại đất hay phương pháp làm ra mà mang tính cá nhân độc đáo, không ngừng sáng tạo của người thợ, vậy nên kiểu mẫu vô cùng phong phú và ấn tượng.
“Đến cố đô Kyoto mới hiểu được tính cách người Nhật”, con người Kyoto phóng khoáng và điềm đạm đến lạ kỳ. Họ rất thích đi bộ, rất thích thiền và tận hưởng cuộc sống. Cũng bởi vậy mà thủ đô cổ này thanh bình theo, không vội vã và hối hả, nhịp sống ở Kyoto trôi nhẹ nhàng, yên ả dưới những tán cây.
Nguồn tổng hợp