Thiên Đàn – Kết tinh kiến trúc cổ đại Trung Hoa
Không chỉ có địa vị quan trọng trong lịch sử kiến trúc Trung Hoa, Thiên Đàn còn được biết đến là di sản nghệ thuật kiến trúc đặc sắc và độc đáo của thế giới. Thiên Đàn hay đàn thờ trời, là một quần thể các tòa nhà ở nội thành Đông Nam Bắc Kinh, nổi tiếng với lối kiến trúc mang tính điển hình cho trình độ tối cao của kiến trúc cổ đại Trung Quốc. Đây là nơi các đời hoàng đế Trung Hoa tổ chức lễ tế trời – nghi thức quan trọng nhất trong lễ bái cầu thiên địa nhật nguyệt, sơn hà thần linh, mong cho mưa thuận gió hoà, thiên hạ thái bình, hàng năm.
Theo quan niệm người xưa, Hoàng đế Trung Quốc thường được gọi là Thiên tử, nghĩa là con trời. Các đời vua đều dùng danh phận con của trời, phụ mệnh xuống nhân gian dẫn dắt người trần, để thống trị thiên hạ, quản lý quốc gia. Các hoạt động tế trời cũng trở thành đặc quyền của họ, người khác không được làm theo.
Được khởi công từ năm 1420, Thiên Đàn là địa điểm cúng thần trời, thần đất của các vua thời nhà Minh và nhà Thanh (1368-1911). Nằm ở phía Nam Cố Cung, rộng gấp 5 lần so với Cố Cung. Cuối phía nam Thiên Đàn là bức tường hình vuông, biểu trưng cho đất, phía bắc là tường hình bán cầu biểu trưng cho trời. Đúng với quan niệm “trời tròn đất vuông” của Trung Quốc cổ đại.
Viên Khưu là đài đá hình tròn gồm ba tầng, mỗi tầng đều có lan can đá, mặt bằng của Viên khưu hình tròn là trung tâm để nhà vua cử hành lễ tế trời. Ở phía bắc Viên Khưu là Hoàng Cung Vũ, một cung điện hình tròn một tầng, đặt các bài vị thần tế trời. Một bức tường bao bọc Hoàng Cung Vũ, quây thành hình tròn, đây là bức vách hồi âm rất nổi tiếng vì nếu đứng ở một bên, chỉ cần nói nhỏ là ở bên kia có thể nghe rõ mồn một.
Điện Kỳ Niên là một cụm kiến trúc cúng tế khác của Thiên Đàn, lớn, có hình tròn và ba tầng mái, được dựng trên nền hình tròn ba tầng. Nhà vua sẽ đến đây để cúng cầu vào mùa hè hằng năm, cầu nguyện cho mùa màng bội thu. Dễ thấy kiến trúc của Kỳ Niên điện có nhiều nét với văn hóa nông nghiệp, là do có liên quan đến ý nghĩa này. Bốn trụ thông thiên trong điện biểu trưng cho bốn mùa xuân – hạ – thu – đông.
Theo người Trung Quốc cổ đại, một ngày có 12 canh giờ, nên 12 cột ở bên ngoài mái hiên của tầng một tượng trưng cho 12 canh giờ trong ngày; 12 cột ở tầng giữa biểu trưng cho 12 tháng trong năm; tổng cộng là 24 cột, tượng trưng cho 24 tiết khí.
Bên cạnh cụm kiến trúc chính là Viên Khưu và Kỷ Niên điện, còn có sở Thần lạc là chỗ ở của các nhạc công và vũ công, sở sát sinh là nơi nuôi và giết mổ súc vật dùng để tế trời.
Lễ tế trời được tổ chức rất cầu kỳ của nhà vua thường diễn ra vào trước lúc bình minh của ngày Đông chí âm lịch (khoảng ngày 22/12).. Khi làm lễ, trước đàn phải treo đèn lồng có ngọn nến đốt to dài hơn một mét bên trong. Ở góc đông nam Viên Khưu là hàng lư hương, phần lớn dùng để đốt những con vật và vải vóc tế trời. Trong lúc tế lễ, khói hương nghi ngút, nhạc trống rền vang, tạo nên vẻ trang nghiêm và rất linh thiêng.
Màu sắc của kiến trúc Thiên Đàn có nhiều sáng tạo. Cung điện của các nhà vua Trung Quốc đa phần lợp mái vàng, màu đặc trưng cho hoàng quyền. Nhưng Thiên Đàn lại được xây dựng với mái ngói xanh lam tượng trưng cho trời, làm nền màu chính của kiến trúc. Mái tường của vách hồi âm, của Hoàng cung Vũ và điện Kỳ Niên cũng như hai điện phụ và mái nhà của các khuôn viên đều là lợp mái lưu ly xanh lam.
Thiên Đàn được xếp vào “Danh mục di sản thế giới” năm 1998, và được đánh giá là cụm kiến trúc cúng tế cổ đại lớn nhất còn tồn tại của Trung Quốc ngày nay, không chỉ có vị thế quan trọng trong dòng chảy lịch sử kiến trúc Trung Quốc, mà còn là di sản nghệ thuật quý giá của kiến trúc thế giới.
Nguồn Tổng hợp – Ảnh: Internet