Shangrila – Dạo bước vùng đất huyền thoại và “bất tử”
Nếu như nói Tây Tạng là thiên đường thì Shangrila là vùng đất tôn giáo thiêng liêng, thiên đường thánh khiết giữa nhân gian. Nơi đây có núi tuyết thần thánh, hoa dại trải dài khắp nơi trên mặt đất. Từng đàn bò rong chơi trên thảo nguyên bao la tạo thành những bản nhạc dưới ánh mặt trời chiếu rọi. Đó chính là Shangrila, cái tên mang đầy sự huyền bí trong huyền thoại, được biết đến như một “thung lũng bất tử” qua tiểu thuyết nổi tiếng “Đường chân trời đã mất” của nhà văn James Hilton.
Shangrila là một địa điểm hư cấu được miêu tả trong cuốn tiểu thuyết Đường chân trời đã mất (Lost Horizon) vào năm 1933 của nhà văn Anh James Hilton. Trong đó, Shangrila là một thung lũng huyền thoại, một vùng đất hạnh phúc vĩnh viễn, dẫn đến từ một tu viện Lạt-ma giáo, nằm trong vùng phía Tây cuối dãy núi Kunlun. Tại đây, những người sinh sống ở Shangrila gần như bất tử, khuôn mặt không phơi bày tuổi tác và tuổi thọ vượt trội so với trung bình. James Hilton miêu tả Shangrila là một thành phố xinh đẹp trong dãy núi Kunlun và tách biệt với thế giới bên ngoài. Đây là một miền đất hạnh phúc, hòa bình và nơi ẩn trú tuyệt vời.
Khung cảnh Shangrila trong buổi sớm mai với những mái nhà tuyết phủ trắng
Vùng đất huyền thoại được mô tả trùng hợp với huyện Trung Điện (Zhongdian), phía Tây Bắc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Về sau, huyện ấy được Trung Quốc đổi thành Shangrila để cuốn hút khách du lịch, đây chính là nơi bắt đầu của thế giới người Tây Tạng.
Shangrila là một thảo nguyên rộng lớn, là vùng đất huyền thoại thơ mộng, xinh đẹp với khung cảnh hùng vĩ, nằm dưới chân núi Kunlun ở độ cao trên 3.000m so với mực nước biển, nơi giao hòa giữa trời và đất, được bao quanh bởi những ngọn đồi xanh thẳm, hồ nước đẹp nên thơ và bầu không khí trong lành.
Không gian thoáng đãng giữa trời đất và núi non
Đến với Shangrila, cảnh tượng làm tôi ấn tượng đầu tiên đó là ánh nắng vàng ươm, bầu trời trong vắt phản chiếu dưới bóng hồ nước ngọt phẳng lặng, đàn bò Yak với bộ lông dài nhẩn nha trên thảo nguyên, một chút gió lạnh tê tái cùng tuyết trắng xóa bao phủ trên đỉnh núi Thạch Ca. Có cảm giác cả trời và đất đều đang hội tụ về đây, đường chân trời xa tít tắp.
Một chú bò Yak đủng đỉnh trên thảo nguyên bát ngát
Thời tiết ở Shangrila thật sự hoàn hảo. Mỗi mùa du khách có thể trải nghiệm những nét đẹp rất riêng. Vào mùa hè, hơn 160 loài hoa tại đây sẽ nở rộ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bông hoa rực rỡ đủ màu sắc trên cao nguyên xanh ngát. Sang thu, có lẽ là khoảng thời gian đẹp nên thơ nhất của Shangrila, sắc vàng mùa thu trên nền trời xanh. Đến mùa đông, Shangrila rất lạnh, tuyết lác đác rơi thường xuyên. Khung cảnh nơi đây được bao phủ bởi gam màu đơn sơ, cổ kính. Cuộc sống thong thả trôi nhẹ nhàng qua khung cửa sổ, hãy đến đây vào mùa đông khi chúng ta muốn sống chậm.
Vào mùa đông, đa số các gian hàng của người dân đều đóng cửa. Khu phố được bao phủ một màu ảm đạm, cổ kính
Điểm đến hấp dẫn nhất của Shangrila chính là tu viện Songzalin nằm trên độ cao 3.200m, được ví như hình ảnh thu nhỏ của Cung điện Potala (Tây Tạng), nổi bật với những mái nhọn vàng rực rỡ, lớn nhất Vân Nam, nơi tập trung những nét văn hóa tiêu biểu của người Tây Tạng.
Tu viện Songzalin – bản sao hoàn hảo của Cung điện Potala ở Lhasa, Tây Tạng
Tu viện được vị Lạt-ma thứ 5 xây dựng từ năm 1679. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử Trung Hoa, tu viện vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn. Vào thời thịnh vượng, số nhà sư ở đây lên đến 3.000 người.
Cầu thang dẫn lên tu viện có 146 bậc, khá dốc. Đặc biệt, ở đây có rất nhiều quạ đen bay lượn trên nóc tu viện
Các vị Lạt-ma ở tu viện
Không nổi bật như tu viện Songzalin, khu phố cổ Shangrila có tuổi đời trên 1300 năm, ẩn mình với nét đẹp đằm thắm, mộc mạc mặc dù hơi thở cuộc sống hiện đại đã chạm đến nơi này. Nhà trong phố cổ xây san sát nhau, chủ yếu bằng chất liệu gỗ, cửa sổ được chạm trổ rất cầu kỳ, cổng sân vườn và tường làm từ đất nung.
Toàn cảnh Shangrila trong một buổi chiều hoàng hôn
Các gian hàng trong khu phố bày rất nhiều sản phẩm dân gian của người Tây Tạng. Những chiếc vòng đeo tay, những chiếc khăn và khuyên tai đủ màu sắc, những chiếc chuông đủ hình thù có tiếng kêu leng keng vui tai, những con bò Yak nhồi bông nhỏ xinh,… tất cả mặt hàng giá đều đáng yêu và giá ổn, bạn có thể mua về làm quà kỷ niệm.
Những con đường ở Shangrila quanh co và vắng lặng đến bất ngờ. Những con người ở Shangrila có gương mặt ửng hồng như trái táo và hào sảng như gió cao nguyên. Trấn cổ ở Shangrila quả thật là nơi để người ta lang thang đi tìm khoảng lặng trong đời mình.
Để quan sát toàn bộ phố cổ, từ quảng trường Ánh Trăng, bạn cần leo lên một ngọn đồi cao, ngôi chùa Đại Phật Tự như ôm gọn cả vùng Shangrila trong tầm mắt. Bất cứ ai đặt chân lên ngôi chùa này, đều thử sức quay Chuyển pháp luân kinh khổng lồ theo chiều kim đồng hồ một lần, để cầu nguyện may mắn, hạnh phúc cho những người thân yêu. Vào buổi tối, ánh đèn thắp sáng khiến cả ngôi chùa trở nên lung linh, huyền ảo như thánh địa bất khả xâm phạm của người Tạng.
Ngôi chùa Đại Phật Tự với những lá cờ đủ màu sắc như gửi những lời ước nguyện của du khách lên bầu trời xanh
Buổi tối ở quảng trường, người dân tụ tập ca hát nhảy múa say sưa trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ. Những ca khúc với giai điệu cao vút như đỉnh núi hòa vào vũ điệu tự do mạnh mẽ bên ánh lửa bập bùng.
Nếu tu viện Songzalin đưa bạn lạc vào vùng đất của Phật giáo thì khi ghé thăm công viên Potatso – trái tim của Shangrila, du khách sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên hữu tình nơi đây. Đây là công viên quốc gia đầu tiên ở Trung Quốc nằm trong khu bảo tồn Di sản thế giới Tam Giang Tịnh Lưu, là nơi bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên quý với diện tích khoảng 1300km2 với núi non, sông nước tuyệt đẹp được thiên nhiên ưu đãi. Với mỗi mùa khác nhau, Potatso lại mang một vẻ đẹp riêng làm đắm lòng du khách, ngỡ như mình lạc vào tiên cảnh.
Vào mùa đông, trong công viên Potatso, cảnh vật có nơi thì khô cằn và hoang sơ, có nơi tuyết phủ trắng
Shangrila hùng vĩ, đơn sơ mà cũng thanh bình, hiền hòa như thế, văn hóa Tây Tạng bao trùm lên những mái nhà, con đường mang đến sự cổ kính và trầm mặc, nhưng Shangrila vẫn có một sức hấp dẫn kì lạ từ chính những điều bình dị đó.
Điều thú vị nhất tại Shangrila là con người nơi đây sống chan hòa, hạnh phúc, kiếm ăn chủ yếu bằng nghề nông và du lịch. Họ có thể sống cuộc sống đạm bạc, đủ ăn qua ngày nhưng vẫn vui tươi. Họ luôn dành cho nhau hay cả khách du lịch những nụ cười thân thiện. Người ta vẫn thường gọi Shangrila với cái tên là “thung lũng bất tử”, có lẽ sự bất tử ấy hiện lên không chỉ ở phong cảnh đẹp say lòng mà còn bởi cuộc sống hạnh phúc của những con người vùng Shangrila.
Shangrila không phải là thiên đường nơi hạ giới như nhiều người đã lầm tưởng là nguyên mẫu của vùng đất cùng tên trong tiểu thuyết Đường chân trời đã mất. Nhưng Shangrila là giai điệu cao vút vang vọng trên thảo nguyên bao la, là hình ảnh tuyệt đẹp về miền đất hạnh phúc với một nền văn hóa độc đáo, là những ước nguyện nhỏ bé về một cuộc sống tốt đẹp.
Thanh xuân của bạn nếu như có Shangrila trong tim, nhất định sẽ thật trọn vẹn và đẹp đẽ. Chắc hẳn!
Hiểu Linh – Nguồn báo vietnamhoinhap