Á Đinh – Đi Tìm đường chân trời đã mất
Nếu ai đã từng đọc cuốn sách “The Lost Horizon” (Đường chân trời đã mất) của James Hilton thì chắc chắn không còn xa lạ với cái tên Shangri-La, “thung lũng bất tử” và là chốn thiên đường trần thế nằm trên một đỉnh núi cao của Tây Tạng. Shangri-La không hẳn chỉ nằm trong tiểu thuyết mà thực tế, có một địa danh tên Shangri-La trên bản đồ ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nhưng với tôi, trái tim và linh hồn đích thực của vùng đất Shangri-La chắc chắn phải là Á Đinh, một nơi được mệnh danh như “phía cuối đường chân trời, tận cùng của nhân gian”.
Ảnh: Shutterstock
Tại sao nói Á Đinh là linh hồn của Shangri-La?
Bởi có hai lý do: một, khi đặt chân đến Á Đinh, cảm nhận hình hài nhỏ bé của chính mình giữa thiên nhiên vĩ đại ấy thì trong tôi đã biết “linh hồn bất tử” của Conway chỉ có thể vương vấn tại nơi này. Hai, Shangri-La là vùng đất nằm giữa lưng chừng trời ở núi cao Tây Tạng, và chắc chắn không nơi đâu thứ hai trên thế giới còn giữ nét văn hóa người Tạng đặc trưng như ở Á Đinh.
Bạn sẽ không biết mùa thu là gì cho đến khi đặt chân đến Á Đinh, nên thời điểm hoàn hảo nhất để thưởng ngoạn trọn vẹn vẻ đẹp tiên cảnh này là tầm cuối tháng 9 đến tháng 11, khi rừng lá kim chuyển vàng và bạn sẽ mãn nhãn với toàn bộ cảnh vật nơi đây từ cành cây, ngọn cỏ cho đến rặng núi tuyết. Ảnh: Shutterstock
Điểm đến đầu tiên của tôi là Trùng Cổ Ngưu Trường, điểm giao của suối, núi và trời. Lần theo con đường ván gỗ trước mắt, một khung cảnh như mơ hiện ra choáng ngợp tâm hồn lẫn thể xác tôi. Đồng cỏ rộng lớn với đàn sơn dương, dòng suối xanh ngọc bích chảy dọc theo bước chân, phía trước tầm nhìn là ngọn núi tuyết hùng vĩ và tầng mây trôi lững lờ trên nền trời trong vắt, không một mỹ từ gì có thể diễn tả vẻ đẹp của Trùng Cổ Ngưu Trường. Dừng chân một lát tại đây, tôi ngân nga những câu hát của Lê Cát Trọng Lý “Nhiều người ôm giấc mơ giàu sang – Vài người ôm giấc mơ bình yên” và được rong ruổi một lần trong cảnh tượng này thôi đã là giấc mơ đẹp nhất trong hành trình tuổi trẻ của tôi rồi.
Vào sâu hơn, tôi đặt chân đến hồ Trân Châu. Đứng trước mặt hồ trong lành, bao quanh là khu rừng kim, một sự kết hợp tài tình giữa vẻ đẹp thanh tú và hùng vĩ của thiên nhiên. Nước từ trong hồ là do băng trên núi tuyết chảy xuống nên bạn sẽ cảm nhận rõ rệt cảm giác tê tái người khi chạm xuống mặt hồ. Điều làm tôi thích thú hơn cả chính là khi ánh mặt trời chiếu thẳng xuống, mặt hồ lấp lánh như viên ngọc đang cất giấu kho báu bí ẩn bên dưới.
Rời khỏi hồ Trân Châu, điểm đến tiếp theo là Lạc Nhung Ngưu Trường, đồng cỏ rộng lớn núp sau ngọn núi Jampayang – một trong ba ngọn núi linh thiêng nhất trong khu thắng cảnh Á Đinh. Nếu ngay từ đầu, tôi đã choáng ngợp bởi vẻ đẹp của Trùng Cổ Ngưu Trường thì đến Lạc Nhung Ngưu Trường, cảm xúc đó được tăng lên gấp trăm lần bởi sự yên bình và hoang sơ tuyệt đối, đứng một chỗ đã thấy được cả núi, đồng cỏ và rừng lá kim thu trong tầm mắt.
Và cuối cùng là hồ Sữa – niềm khao khát của những tín đồ trekking và mê chinh phục thiên nhiên. Việc chinh phục hồ Sữa chưa bao giờ là dễ dàng khi bạn phải hiking suốt đoạn đường gần 6km, chinh phục độ cao 4700m đột ngột và băng qua con dốc 60 – 70 độ. Sau đó, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ nhất của khu thắng cảnh Á Đinh – hồ Sữa. Rảo bước giữa thảo nguyên xanh ngút ngàn, cảm nhận không khí se lạnh của thiên nhiên chạm vào da thịt, tôi không khác gì cô gái du mục về với mảnh đất của chính mình, hát lên lời ca tự do và khoan khoái nhất. Thực chất tôi đã tự hỏi “Rốt cuộc giới hạn cảnh đẹp của thiên nhiên là ở đâu?”, khi ngay trên trần thế còn tồn tại một nơi như Á Đinh.
Không chỉ nổi tiếng bởi cảnh đẹp mà Á Đinh còn được biết đến như nơi hiếm hoi còn giữ được nét văn hóa truyền thống của người Tạng. Theo tín ngưỡng của người Tạng, một người khi kết thúc sự sống trên trần thế là lúc linh hồn họ bắt đầu một hành trình mới, còn thể xác sẽ trở về với cội nguồn là thiên nhiên. Ở Á Đinh, người Tạng vẫn còn giữ tục thiên táng như một hình thức tiễn đưa người đã khuất đến một vùng đất mới. Sau khi các Lạt Ma cầu nguyện xong, người ta sẽ phá vỡ xương cột sống của thi thể và đốt cây bách xù để kền kền (linh vật thiêng liêng) bay lại ăn xác. Lang thang trên thảo nguyên, hiểu hơn về đức tin cao đẹp và quan niệm về kiếp luân hồi của người nơi đây, tôi càng khâm phục sự kiên cường của một dân tộc quyết gìn giữ nét văn hóa không bị hòa lẫn với thế giới ngoài kia.
Chuỗi ngày ở Á Đinh là chuỗi ngày bình yên và nhẹ nhàng nhất. Tôi quên đi những bộn bề thường nhật để lắng nghe nhiều hơn tiếng nói bên trong bản thân, trở về với những giá trị đích thực. Dù có lúc rõ rệt có lúc mờ ảo nhưng những ký ức về nơi “tận cùng trần thế” này luôn là điều đẹp nhất trong tôi.
by Thục Vy – Wowweekend
photo by Shutterstock