Độc đáo vùng cao Trạm Tấu

Cách thành phố Yên Bái khoảng 100 km, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) là điểm đến thích hợp với những du khách thích hòa mình với thiên nhiên hoang sơ, thích khám phá văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái…

Săn mây trên đỉnh Tà Xùa

Đỉnh Tà Chì Nhù nằm ở độ cao 2.979 m, thuộc xã Xà Hồ, là “nóc nhà của tỉnh Yên Bái”, đỉnh núi cao thứ 7 Việt Nam. Điểm cao này được du khách chinh phục lần đầu tiên vào năm 2013 và được mệnh danh là “thiên đường mây nơi hạ giới”. Thông thường, để chinh phục Tà Chì Nhù, du khách sẽ phải vượt qua chặng đường 7-8 tiếng. Khi tới đỉnh, vẻ đẹp bao la, hùng vỹ của núi rừng chắc chắn khiến du khách quên đi những mệt nhọc sau chặng đường dài. Vào những ngày đẹp trời, từ đỉnh núi, phóng tầm mắt ra đường chân trời, du khách sẽ chiêm ngưỡng được biển mây trên nền trời xanh ngắt.

Đỉnh Tà Xùa cao 2.865 m, nằm ở nơi giáp ranh hai huyện Trạm Tấu (Yên Bái) và Bắc Yên (Sơn La). Nhiều người chọn cung trekking từ Trạm Tấu để có nhiều trải nghiệm hành trình chinh phục đỉnh núi cả hai chiều là 25,2 km.

Ngắm mây trên đỉnh Tà Xùa

Để leo được lên đỉnh, người tham gia phải có sức khoẻ, không bị bệnh tim mạch. Với người thường xuyên leo núi thì có thể đi và về trong ngày. Tuy nhiên, cảnh đẹp chỉ có vào các thời điểm nhất định nên nhiều người chọn chinh phục đỉnh trong hai ngày một đêm hoặc ba ngày hai đêm để thưởng thức hết cung đường và thời khắc đẹp nhất. Trên hành trình lên đỉnh Tà Xùa, bạn có thể gặp những “sống lưng khủng long” liên tiếp, có đoạn kéo dài 1-2 km. Ngoài ra, bạn sẽ được chứng kiến biển mây, rừng rêu nguyên sinh, những thảm hoa theo mùa rực rỡ.

Háng Tề Chơ là tên một bản người Mông hẻo lánh ở xã Làng Nhì. Tên của bản là cũng chính là tên của ngọn thác. Đường vào Làng Nhì khá khó đi, hầu hết nhỏ hẹp và ngoằn ngoèo, nhiều con dốc dựng đứng, chiều rộng chỉ khoảng một bánh xe, đá dăm, đá tảng rải rác. Với mây mù quanh năm và con đường khúc khuỷu, Làng Nhì và thác Háng Tề Chơ trở thành điểm đến huyền bí với nhiều người. Từ đỉnh thác, từng dòng nước ầm ầm trút xuống, hơi nước, bọt tung trắng xóa. Sự hòa quyện giữa màu xanh của núi với bọt nước tạo nên một bức tranh sơn thủy đầy màu sắc.

Bản Cu Vai nằm cách trung tâm huyện Trạm Tấu khoảng 20 km, có địa thế tách biệt trên đỉnh một ngọn núi, quanh năm mây bao phủ. Trong tiếng Thái, Cu Vai có nghĩa là dải mây vắt vẻo ngang trời. Nằm trên đỉnh núi cao quanh năm được bao phủ bởi làn sương trắng mờ ảo nên cảnh sắc ở bản lúc nào cũng thơ mộng. Bản có không gian thiên nhiên yên bình đặc trưng của vùng cao Tây Bắc, với những nếp nhà người Mông, những thửa ruộng bậc thang và những triền đồi trải đầy hoa rừng màu sắc rực rỡ.


Bản Cu Vai trên đỉnh ngọn núi

Hành trình lên đến bản Cu Vai khá hiểm trở với những đoạn đường mòn nhỏ gồ ghề, sỏi đá to nằm ngổn ngang, kèm những con dốc uốn lượn liên tục theo sườn núi. Do đó khi tới đây, du khách cần phải thận trong khi lái xe, nên có người địa phương hướng dẫn.

Đặc sản quê hương say lòng du khách

Chè Shan tuyết Trạm Tấu được trồng ở độ cao từ 900 đến 1.500 m so với mực nước biển, độ ẩm cao, quanh năm mây mù, khí hậu ôn hoà. Búp chè xanh non, có mùi thơm dễ chịu, nước vàng như mật ong, vị chan chát, nuốt đến họng lại cảm nhận được vị ngọt đọng. Chè Shan tuyết Phình Hồ phát triển tự nhiên, không chỉ có chất lượng thơm ngon mà còn là một sản vật mang thương hiệu riêng của vùng cao. Xã Phình Hồ hiện có 180 ha chè Shan tuyết cổ thụ, và có khoảng 70.000 – 80.000 cây chè cổ thụ, tập trung ở các bản Tà Chử, Phình Hồ, Chí Lư, Bản Mù, Bản Công, Pá Hu.

Măng ớt Trạm Tấu là món ăn được chế biến từ cây măng lay – loại cây chỉ mọc ở vùng núi cao. Đây là loại măng đặc biệt, kích thước bằng ngón tay, đặc ruột. Măng lay ở Trạm Tấu mọc rất nhiều ở trên sườn núi đá, cứ mỗi độ vào thu, khi lưng đèo đã bắt đầu được bao phủ bởi những lớp sương thì đó cũng là thời điểm mầm măng đua nhau mọc. Với đồng bào người Mông ở Trạm Tấu, măng ớt là một trong những món ăn không thể thiếu trong những bữa cơm trên nương hay trong dịp lễ Tết.


Măng ớt Trạm Tấu

Chí chủa, nếp cẩm, nếp nương là những loại gạo do người Mông trồng ở vùng Trạm Tấu. Gạo nếp Trạm Tấu ngon, có mùi thơm đặc trưng. Khi nấu cơm nếp hoặc xôi không cần cho thêm bất cứ gia vị gì, gạo được ngâm từ 2 đến 4 tiếng, dẻo. Thời gian xôi từ 25 – 30 phút. Xôi có vị ngọt tự nhiên, có cái mộc mạc của núi rừng, tinh túy của trời đất. Gạo nếp ngoài dùng để nấu cơm, đồ xôi, làm bánh chưng còn được chế biến thành các món chè, sữa gạo, hoặc chưng cất rượu nếp. Bột gạo nếp được dùng để làm bánh nếp, bánh giầy, bánh rán, bánh trôi, bánh gai, bánh cốm…

Lợn đen được nuôi nhiều đời tại Trạm Tấu, giống lợn có thời gian nuôi khá dài, từ 1 đến 2 năm. Lợn đen Trạm Tấu mõm dài, chân nhỏ, tai nhỏ, lông dọc sống lưng dài hơn hẳn so với lông ở các vùng khác. Lợn nhỏ con, sinh trưởng chậm nhưng thịt thơm, ít mỡ, ăn không ngấy, từ ngoài vào trong chỉ có một lớp bì dày, rồi đến một lớp thịt nạc thật mềm, ngọt lịm. Lợn đen Trạm Tấu được nuôi theo mô hình bán chăn thả, với thức ăn chính là cám gạo, cám ngô, sắn, rau chuối băm nhỏ. Do giống lợn này được thuần hóa lâu đời nên thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng cao, dễ nuôi, phàm ăn và có sức đề kháng cao, chống chịu bệnh tốt.

Đình Hợi – Nguồn tổng hợp