Jigokudani: Cổng địa ngục mở ra thiên đường

Trong tiếng Nhật, Jigokudani có nghĩa là “Thung lũng Địa ngục”. Với cái miệng núi lửa to rộng đến hơn 9ha được hình thành từ vụ phun trào cách đây 20.000 năm vẫn đang sôi sục, sủi bọt nóng rẫy, Jigokudani được người Nhật ví như cổng địa ngục. Tuy nhiên khác với cái danh đáng sợ, Jigokudani không mở ra 18 tầng tra tấn khốc liệt mà đem đến thiên đường nghỉ dưỡng và chữa bệnh hiệu quả.

“Cổng địa ngục” Jigokudani.

Tại Nhật Bản, Jigokudani thuộc đảo Hokkaido lừng danh thế giới với bia Sapporo và khu vực trượt tuyết tuyệt đẹp Niseko. Nó tọa lạc ngay trong Vườn Quốc gia Shikotsu Toya, phía Tây Hokkaido, phô bày la liệt các lỗ nhiệt, mạch nước phun, hồ sôi, ao bùn lưu huỳnh đen cháy âm ỉ…

Từ thành phố bia Sapporo đi khoảng 112km về phía Nam là tới Jigokudani. Như mọi vùng của Hokkaido đa phần thời gian là lạnh, Jigokudani cũng thường xuyên bị tuyết phủ trắng. Bất chấp thời tiết giá băng, miệng núi lửa địa nhiệt rộng tới hơn 9ha nằm ngay trung tâm Thung lũng Địa ngục vẫn sủi lục bục, bốc hơi nghi ngút và tỏa ra những dòng suối nước nóng đổ xuống.

Tuy nhiên khác với cái danh “cổng địa ngục” đáng sợ, Jigokudani không mở ra 18 tầng tra tấn thống khổ như trong văn hóa dân gian phương Đông, mà đem đến thiên đường nghỉ dưỡng và chữa bệnh hiệu quả.

Jigokudani nổi bật với quan cảnh hoang sơ đáng sợ như thời tiền sử.

Nhưng cũng tặng những lối đi bộ tuyệt đẹp và đặc biệt là nguồn nước nóng giàu chất khoáng giúp chữa lành hiệu quả.

Dọc theo các dòng suối nước nóng chảy ra từ “cổng địa ngục” là hàng chục điểm tắm nước nóng tự nhiên. Ở đấy, cư dân địa phương cũng như các du khách thoải mái nhúng tay, hạ đôi chân bị thời tiết giá lạnh hành hạ xuống thư giãn hay ngâm mình trong những phòng tắm nước nóng hiện đại. Khác với Jigokudani của đảo Honshu nổi tiếng với Công viên Khỉ Jigokudani có đầy khỉ tuyết đến tắm, Jigokudani của Hokkaido mang một phong vị khác.

Nó cũng không tĩnh tại với hoa anh đào hay rừng lá phong đỏ đặc trưng xứ Phù Tang, mà nổi bật với cảnh quan có vẻ hoang dã nguyên thủy, đầy những lỗ phun nhiệt thổi khói trắng, đồi núi trống trơn, rỉ sét, hồ sôi và hang động ướt át, nom chẳng khác nào thế giới tiền sử nồng nặc mùi hiểm nguy. Ấn tượng là Jigokudani cũng có mùi thật. Như mọi vùng đất sở hữu núi lửa đang hoạt động, nơi này sực nức mùi lưu huỳnh, từ rất xa đã ngửi thấy.

Trong Thung lũng Địa ngục có đến 9 loại nước nóng khác nhau chứa các khoáng chất quan trọng như kiềm, muối, radium, melanterite… chữa lành nhiều bệnh tật như viêm phế quản, đau dây thần kinh và chàm. Chỉ cần ghé Noboribetsu, thị trấn suối nước nóng nổi tiếng của Jigokudani, bạn có thể trải nghiệm các spa tắm nước nóng chữa bệnh chuyên nghiệp.

Từ thế kỷ 19, nơi này đã được sử dụng như bệnh viện thương binh giúp cứu chữa và phục hồi sức khỏe cho những người lính bị thương trong Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905). Hiện tại, Noboribetsu đang có hàng chục phòng tắm với nhiều loại nước khoáng nóng tự nhiên khác nhau, sẵn sàng phục vụ từ nhu cầu thư giãn đến chữa bệnh của khách.

Ngoài ra, tại Noboribetsu còn một đền thờ Thần đạo, Enma Do Shinto dành cho các tín đồ của tín ngưỡng âm dương. Cứ đến tháng 8, nơi đây lại rộn ràng Lễ hội Địa ngục, trình diễn “pháo hoa ma quỷ” tưng bừng. Không như các nơi khác chào đón du khách bằng thần tài hay những linh vật đáng yêu, Noboribetsu của Jigokudani mời gọi bằng tượng yêu ma yukijin đỏ lòm, cao 18m, mặt mũi hung tợn, miệng nhe nanh và đầu mọc sừng. Nhưng trong văn hóa của cư dân địa phương, chính con quỷ này sẽ bảo vệ suối nước nóng, xua đuổi tà mà và dẫn bạn đến may mắn.

Có cả thảy 9 bức tượng yukijin nằm rải rác trong Noboribetsu. Hầu hết chúng đều mới, được làm và đặt trước các địa điểm du lịch nhưng riêng trong đền Enma Do Shinto; bức tượng này được đặt trên bàn thờ, có thể có từ thời Edo (1603-1868).

Trong tín ngưỡng Thần đạo, Diêm vương Emma đứng ngay lối vào địa ngục, phán quyết linh hồn người chết sẽ bước lên con đường nào trong 6 lối đi. Tùy vào lựa chọn của ngài mà một người có thể phải xuống địa ngục, tái sinh vào thế giới chiến tranh, kiếp sau là động vật hay lên thẳng thiên đàng…

Theo nghiên cứu khảo cổ thì người Ainu (tộc người thiểu số thuộc khu vực Hokkaido, quần đảo Kuril và Sakhalin của Nhật Bản) có mặt ở Hokkaido từ rất sớm, khoảng năm 18.000 trước Công nguyên. Song mãi đến cuối thế kỷ 19, chính phủ Nhật mới để tâm đến sự phát triển của hòn đảo này bởi nước Nga láng giềng muốn đánh chiếm nó, hình thành nên Chiến tranh Nga – Nhật.

Noboribetsu đầy rẫy suối nước nóng thích hợp nghỉ ngơi, chữa thương nhanh chóng biến thành vùng tập trung binh lính bị thương, mọc lên các bệnh viện chiến tranh. Thú vị là dù thời chiến đã đi qua, thị trấn vẫn giữ lại các kiến trúc từng là bệnh viện, biến chúng thành các nhà khách, khu nghỉ mát suối nước nóng tiện lợi và thu hút khách.

Từ Noboribetsu bước lên con đường đi bộ dài 8km quanh co, uốn khúc ngược tới đầu nguồn của những con suối nước nóng đầy khoáng chất, Thung lũng Địa ngục Jigokudani, du khách thong thả tận mục sở thị các lỗ phun nhiệt, hồ nước nóng, đầm lầy sôi, hang động ẩm thấp, ngọn đồi cháy xém màu rỉ sét…

Xa xa, núi tuyết Kuttara phô bày vẻ lộng lẫy Nhật đi đưa tới hồ Oyunuma phun nước lưu huỳnh đen nóng rẫy 85oC hay mạch nước sôi sủi lục bục Tessen Ike. Con suối Oyunumagawa 45oC mời gọi ngồi xuống nghỉ ven bờ. Bên dưới cây cầu gỗ cũ là làn nước nóng lấp lánh. Nếu thích, bạn có thể cởi giày và lội bộ ngay trên lòng suối. Trong vệt nắng sáng tươi giữa mùa đông đóng băng, Jigokudani tặng những góc thiên đường ấm nóng chữa lành cả cơ thể lẫn tân hồn.

Nguồn Vũ Thị Huế – Người đô thị