Khám phá Scotland – Đất nước của những người đàn ông mặc váy
Scotland nằm ở phía bắc của Great Britain và là một phần của United Kingdom kể từ năm 1707. Mặc dù trải qua nhiều cuộc xâm lược và chiến đấu giành độc lập, Scotland vẫn lưu giữ được những dấu vết lịch sử có niên đại tới hơn 9.000 năm tuổi. Vùng đất với hàng ngàn năm lịch sử và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa Celtic, Scotland luôn là một quốc gia có bản sắc dân tộc mạnh mẽ và truyền thống độc đáo. Người Scotland thường được biết đến với sự cởi mở, lòng hiếu khách và là những fan hâm mộ thể thao cuồng nhiệt.
Hãy cùng Du Lịch Minh Anh tìm hiểu một số đặc điểm văn hóa truyền thống Scotland vẫn còn tồn tại đến ngày nay trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày.
Tôn giáo
Được bảo trợ bởi thánh Andrew (vị thánh bảo trợ cho Scotland), lá cờ Scotland được dựa theo biểu tượng của ngài. Một đường chéo màu trắng (hình dấu X) trên một nền màu xanh. Hầu hết dân số Scotland đều theo Kitô giáo. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhóm lớn theo Công giáo và một phần dân số đáng kể khác lại thuộc Giáo hội Trưởng lão Scotland, còn được biết tới cái tên là Kirk.
Ngôn ngữ
Tiếng Anh được công nhận là ngôn ngữ chính tại đất nước Scotland từ thế kỷ 18. Tuy nhiên, lại có rất nhiều giọng điệu cũng như phương ngữ địa phương khác nhau được sử dụng khắp Scotland. Lý do chính chủ yếu là nhiều từ Gaelic, ngôn ngữ cổ của người Celtic, vẫn được sử dụng rộng rãi. Nó được cho là có nguồn gốc từ Ireland và được truyền bá vào Scotland vào khoảng thế kỷ thứ 10. Hiện nay thứ ngôn ngữ này vẫn được sử dụng bởi một bộ phận người thuộc cao nguyên (Highlands) và các quần đảo Scotland (Island) nhưng đang có xu hướng giảm dần do thế hệ trẻ ngày nay hiếm khi sử dụng Gaelic trong các cuộc đối thoại hàng ngày.
Trong khi Gaelic là ngôn ngữ chính ở vùng cao nguyên và quần đảo Scotland, vùng đồng bằng Scotland (Lowland) lại sử dụng Scots, ngôn ngữ riêng của người Scotland. Ngôn ngữ Scots có phong cách gần gũi hơn nhiều so với tiếng Anh phổ thông và cuộc tranh luận đã nổ ra trong nhiều năm về việc liệu đó là ngôn ngữ riêng biệt hay thực ra chỉ là một phương ngữ. Vào đầu thế kỷ 15, tiếng Anh được sử dụng ở Scotland đã trở nên khác biệt đến mức được coi như một ngôn ngữ hoàn toàn mới. Do đó, thuật ngữ ‘Scottis’ đã được sử dụng để chỉ tiếng địa phương của vùng đồng bằng Scotland, chính thức tách nó khỏi nguồn gốc là tiếng Anh. Chính phủ Anh hiện chấp nhận Scots là ngôn ngữ khu vực và được công nhận theo Hiến chương của Châu Âu về ngôn ngữ địa phương hay dân tộc thiểu số.
Ẩm thực
Ẩm thực Scotland bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự phân biệt giai cấp kéo dài trong nhiều thế kỷ. Thịt được dành riêng cho các gia đình giàu có, trong khi tầng lớp thấp hơn thường chỉ có thể ăn các sản phẩm thứ cấp từ cùng những con vật đó. Cụ thể hơn, các bữa ăn truyền thống của Scotland thường dựa vào các loại củ, thảo mộc, bánh mì, các sản phẩm từ sữa và nội tạng động vật.
Haggis là món ăn nổi tiếng nhất và được coi là món ăn của Scotland. Đây thực chất là một loại bánh pudding mặn được làm từ nội tạng cừu trộn với hành tây, bột yến mạch và gia vị, thường được ăn kèm với củ cải và khoai tây Scotland. Theo truyền thống, nó sẽ được nấu chín trong dạ dày cừu nhưng hiện nay đã được thay thế bằng vỏ xúc xích. Phần lớn được làm từ bột yến mạch, haggis có kết cấu mềm, vụn kết hợp với hương vị cay, mộc mạc của muối và các loại gia vị thảo mộc. Điều này chắc chắn sẽ tạo nên một trải nghiệm tuyệt hảo cho bất cứ ai có cơ hội nếm thử.
Scotland cũng nổi tiếng với rượu whisky Scotch, thứ hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn nhất hàng năm. Theo truyền thống, Scotch được làm từ lúa mạch nha nhưng có thể được thay thế bởi lúa mì hoặc lúa mạch đen. Sau quá trình chế biến cẩn thận, rượu sẽ được ủ trong thùng gỗ sồi tối thiểu ba năm và hơn 20 năm đối với các sản phẩm cao cấp trước khi được thưởng thức. Bởi đây là mặt hàng xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Scotland nên Chính phủ đã ban hành những luật cũng như quy định riêng về quy trình sản xuất và chất lượng của rượu whisky Scotch.
Các môn thể thao
Bóng đá chắc chắn là môn thể thao được yêu thích nhất ở Scotland. Kể từ khi trọng tài thổi còi bắt đầu trận đấu bóng đá quốc tế đầu tiên từng diễn ra, giữa Scotland và Anh năm 1872, đã luôn có sự cạnh tranh lành mạnh giữa 2 quốc gia. Thêm vào đó, các cổ động viên cũng vô cùng cuồng nhiệt với đội tuyển họ ưa thích. Các cuộc ẩu đả diễn ra thường xuyên giữa những người hâm mộ và nhiều quán rượu tại Scotland đã phải sử dụng chính sách quần áo phi thể thao, để ngăn mọi người từ các đội khác nhau tấn công lẫn nhau.
Xếp thứ 2 về mức độ yêu thích chắc chắn phải nhắc tới môn bóng bầu dục. Có một điểm chung thú vị giữa bóng đá và bóng bầu dục là cả hai đều có trận đấu quốc tế đầu tiên diễn ra tại Scotland năm 1871 và đối thủ đều là đội tuyển Anh. Đội bóng bầu dục của Scotland thi đấu giải Six Nations Championship hàng năm và đã thi đấu ở mọi giải bóng bầu dục thế giới. Đội bóng Scotland hiện đang xếp thứ 6 trong top 25 IRB World Rankings và đã ba lần giành chiến thắng tại Grand Slam.
Ngoài ra, Scotland là cái nôi khai sinh ra golf, môn thể thao của giới thượng lưu. Chắc chắn không một nơi nào trên thế giới có thể lý tưởng hơn để chơi một trận golf trên chính vùng đất đã sản sinh ra nó. Tại Scotland, golf dành cho tất cả mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi và hiển nhiên bạn không cần giàu có hay quyền lực để có thể chơi golf. Scotland cũng là quê hương của những hảo thủ nổi tiếng như Sandy Lyle hay Colin Montgomerie.
Thời trang
Những người đàn ông mặc chiếc váy kẻ sọc (kilt) là một hình ảnh biểu tượng của Scotland. Những chiếc váy nổi tiếng này là trang phục truyền thống của đàn ông Scotland (tương tự như áo dài của phụ nữ Việt Nam). Để chống chịu với khí hậu lạnh quanh năm của Scotland, những chiếc váy này được làm từ len dày với khả năng giữ nhiệt rất tốt. Chiếc váy “kilt” đầu tiên được biết tới lần đầu năm 1583 và dần trở thành trang phục chính của những người lính vùng cao nguyên Scotland. Theo nguyên bản, chiếc váy kilt ban đầu có phần tà dài và vắt qua vai, được gọi là “great kilt”. Sau gần 200 năm, chiếc váy đã được tối giản và chỉ giữ lại phần chân váy, gọi là “small kilt” hay “walking kilt”, tương tự như “kilt” hiện nay. “Kilt” có hoa văn kẻ ô nhưng màu sắc và họa tiết bên trong sẽ khác nhau tùy vào từng gia tộc.
Ngoài ra, một bộ đồ hoàn chỉnh ngoài chân váy còn bao gồm rất nhiều phụ kiện như thắt lưng da, sơ mi bẻ nửa cổ, cà vạt, áo khoác, túi da đeo quanh hông, con dao găm dắt nửa ngập trong tất, thanh gươm claymore cài váy, giày da thuộc… có giá lên đến cả ngàn bảng Anh. Thêm vào đó, váy “Kilt” chỉ được mặc vào những dịp đặc biệt như đám cưới, lễ hội hay diễu hành v.v… Vậy nên để giảm thiểu chi phí, các dịch vụ cho thuê váy “Kilt” trở nên rất phổ biến tại Scotland.
Âm nhạc
Một trong những nhạc cụ phổ biến và đặc biệt nổi tiếng là kèn túi (bagpipe). Một số nhà sử học tin rằng kèn túi có nguồn gốc từ Ai Cập cổ đại và được đưa đến Scotland sau cuộc xâm chiếm Quân đoàn La Mã. Một số khác lại tin rằng nó có nguồn gốc từ miền nam Châu Âu. Dù nguồn gốc của chiếc kèn túi có như thế nào thì không thể phủ nhận rằng hiện giờ nó là một phần của văn hóa Scotland và được sử dụng trong nhiều lễ kỷ niệm, đám tang cho đến các ngày lễ quốc gia. Bagpipes gồm ống thổi hơi, túi hơi, chanter và drone. Túi hơi dùng để giữ hơi của người chơi thổi vào, đồng thời sẽ đẩy hơi ra Chanter để tạo thành âm thanh. Túi hơi được làm chủ yếu bằng da động vật như cừu, chó, bò, dê và được dán chặt với nhau để hơi không bị rò rỉ ra ngoài túi. Tiếp theo là chanter trông giống như 1 cây sáo, dùng tay để bịt các lỗ và từ đó tạo ra các notes nhạc tương ứng. Cuối cùng là drone. Đây là các ống hơi có tạo dụng tạo ra các hiệu ứng rè hay tạo nên một chuỗi hợp âm.
Các kiến trúc đồ sộ
Những lâu đài cổ ở Scotland luôn mang lại những cảm xúc đặc biệt cho bất cứ một ai có cơ hội ghé thăm. Vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ chắc chắn là vô cùng thu hút nhưng bên cạnh đó những lâu đài này còn mang theo hơi thở của thời gian và dáng vẻ cô đơn vốn có khi các pháo đài thời trung cổ đều có vị trí biệt lập trên một ngọn núi hay trong một khu rừng. Ngoài việc được xây dựng như những cơ chế phòng thủ, các lâu đài còn được xây dựng như một nơi ở cho những gia đình Hoàng gia Scotland như Robert the Bruce cho đến Mary, Queen of Scots sinh sống trong nhiều thế kỷ. Những lâu đài ở Scotland, đã từng bị phá hủy và được xây dựng lại nhiều lần bởi các trận chiến tàn khốc giữa các gia tộc Scotland với quân đội xâm lược của người Anh. Mỗi lâu đài lại có lịch sử cũng như những câu chuyện riêng để kể lại.
Có lẽ lâu đài nổi tiếng nhất (và được ghé thăm nhiều nhất) ở Scotland là lâu đài Edinburgh, nằm ngay trung tâm thủ đô. Tọa lạc trên đỉnh ngọn núi Castle Rock, pháo đài này mang đến sự hiện diện mạnh mẽ trên bầu trời của Edinburgh. Khu phức hợp của tòa lâu đài bao gồm: nhà nguyện, các bức tường có lỗ châu mai, các tháp, nhà tù và một vài phần lâu đời nhất của lâu đài đã tồn tại từ thế kỷ 12. Mỗi một dấu tích trong lâu đài đánh dấu từng giai đoạn lịch sử Scotland.
Ngoài lâu đài Edinburgh, các lâu đài khác như Braemar, Balmoral, Craigievar, Crathes hay Dunnottar Castle v.v… đều là những lâu đài vô cùng nổi tiếng và thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch mỗi năm.
Nguồn tổng hợp – ảnh Internet