Khám phá Tirta Empul – Ngôi đền nước thiêng của Bali

Đền Tirta Empul ở Bali (Indonesia) không chỉ là cơ sở tôn giáo độc đáo bởi huyền thoại gắn với đền mà còn là nơi nước được thờ phụng trong văn hóa bản địa.

Vào những ngày cuối cùng của năm, nhiều người dành thời gian sửa sang nhà cửa, dọn dẹp đồ đạc để chuẩn bị đón năm mới, lại có người chọn lên đường khám phá thêm những điều mới mẻ. Ở Đông Nam Á, chủ đề du lịch tâm linh luôn được quan tâm bậc nhất, bởi du lịch ở phần này của trái đất có nhiều điểm đến mang tính biểu tượng nhất hành tinh, những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của những vùng đất tâm linh và truyền thống; những khung cảnh thiên nhiên với nét đẹp hoang dã, những tập tục đặc sắc… Bên cạnh đó, không thể thiếu những nét đẹp tôn giáo.

Đền thờ Tirta Empul nằm ở làng Manukaya, gần thị trấn Tampaksiring, không xa Ubud – trung tâm văn hóa của Bali, Indonesia. Đền nổi tiếng không chỉ với khách du lịch mà còn với cả người dân địa phương bởi sự linh thiêng, là một trong những ngôi đền có nước thánh nhộn nhịp nhất ở Indonesia.

Ý nghĩa của tên “Tirta Empul”

Đền Tirta Empul thờ Vishnu, Thần nước trong đạo Hindu. Ở Bali, tên ngôi đền Tirta Empul được đặt theo tên nguồn nước ngầm, nghĩa là ‘suối thiêng’, hay được dịch thoáng là ‘nước phun ra từ đất’. ‘Tirta’ có nguồn gốc từ từ ‘amrita’ trong tiếng Phạn nghĩa là ‘bất tử’.

Đền Tirta Empul bao gồm các đền thờ thần Shiva, Vishnu, Brahma, cũng như một đền thờ thần Indra và núi Batur.

Đây được coi là một trong năm ngôi đền linh thiêng nhất ở Bali và nước ở đây được coi là một trong những nguồn nước linh thiêng nhất Bali. Khách tham quan có thể tìm thấy những ngôi đền nước thánh khác như Pura Ulun Danu ở Hồ Beratan, Pura Tirta Tawar ở Gianyar, Pura Tirta Harum ở Bangli, Pura Tirta Taman Mumbul ở Badung, và nhiều hơn nữa (“Pura” nghĩa là “đền” trong ngôn ngữ Bahasa ở Indonesia)

Đền Tirta Empul được hình thành vào năm 926 sau Công Nguyên, tổ hợp đền được Tổng thống đầu tiên của Indonesia là Ngài Soekarno xây dựng năm 1957. Mặc dù đây là một nơi thờ cúng linh thiêng đối với người dân địa phương, du khách từ khắp nơi trên thế giới cũng được chào đón để trải nghiệm vẻ đẹp và tham gia vào các nghi lễ thanh tẩy.

Huyền thoại

Trang du lịch Indonesia (indonesia.travel) kể rằng, dựa trên một bản thảo có tên Usana Bali, việc dựng lên ngôi đền có liên quan tới trận đánh giữa vị vua tàn bạo Mayadenawa và Thần Bhatara Indra. Nhà vua không tin vào thần thánh và cấm thần dân của mình thờ các thần. Vua sở hữu một sức mạnh tâm linh nhưng lại dùng nó một cách bất cẩn cho ma thuật đen. Một linh mục tên Sang Kulputih đã cầu nguyện Bhatara Indra để ngăn chặn vị vua này.

Bhatara Indra cùng các chiến binh tấn công Mayadenawa và truất ngôi nhà vua. Mayadenawa cùng quân lính chạy trốn đến phía Bắc của một ngôi làng. Vào ban đêm, khi đội quân của thần Bhatara Indra đang say giấc, Mayadenawa lẻn vào trại của họ và tạo ra một con suối đẹp nhưng nước độc để đội quân uống khi thức dậy.

Sáng hôm sau, thần Bhatara Indra thấy các chiến binh bị đầu độc chết. Bằng quyền năng của mình, thần dùng cây quyền trượng đâm xuyên qua mặt đất, tạo ra một dòng suối thiêng có nước thánh chữa bệnh. Nước được phun lên đội quân đã chết và họ sống lại. Nguồn nước được cho là có đặc tính chữa bệnh và là nguồn sống này về sau được gọi là ‘Tirta Empul’.

Sau khi kế hoạch thất bại, Mayadenawa cố gắng biến mình thành đủ loại sinh vật khác nhau nhưng đều bị phát hiện. Cuối cùng, khi vua biến mình thành một tảng đá, thần Indra đã bắn một mũi tên xuyên qua và giết chết vị vua độc ác.

Máu của Mayadenawa chảy ra từ tảng đá được cho là đã tạo nên sông Petanu, và trong hơn một nghìn năm, dòng sông bị nguyền rủa khiến lúa phát triển nhanh chóng nhưng lại nồng nặc mùi máu kinh khủng.

Người Bali theo đạo Hindu đặt ngày giỗ của vua Mayadenawa 210 ngày một lần theo lịch truyền thống của Bali là ngày Đức hạnh chiến thắng Ác ma trong một nghi lễ gọi là Galungan.

Khám phá tổ hợp đền

Trong khuôn viên đền Tirta Empul có 30 đài phun nước, được sử dụng như một phước lành để rửa sạch tội lỗi. Theo lời kể được truyền miệng qua nhiều đời, mọi người đều có niềm tin rằng Thần Indra tạo ra, và nước ban phước có thể thanh tẩy những người tắm ở đó và việc sử dụng nước cũng là để xua đuổi tà ma bằng sức mạnh ma thuật.

Bắt đầu cho chuyến tham quan ngôi đền là một cánh cổng lớn bằng đá kiểu Bali và đến sân ngoài của ngôi đền. Ở cuối sân là một cổng đá khác được xây trong bức tường dẫn vào sân trung tâm. Cánh cổng này được 2 bức tượng Dwarapala khổng lồ cầm chùy vàng ở 2 bên bảo vệ. Trên đỉnh cổng có hình chạm khắc Kala (một vị thần của người Java và Bali) khá khác biệt so với các hình chạm khắc Kala khác ở những nơi khác vì tượng có răng nanh nhô lên và một đôi bàn tay mở rộng.

Bước vào sân trong là khu vực chính của đền. Các suối nước thiêng ở đây tạo thành một hồ lớn, nước trong vắt chảy qua 30 vòi nước vào hai hồ thanh lọc thiêng liêng.


Những người theo đạo Hindu ở Bali đứng thành hàng dài trong hồ chờ ngâm mình dưới vòi nước trong một nghi lễ thanh tẩy gọi là ‘melukat’. Người dân bắt đầu từ phía trái hồ,  đứng trong nước ngập đến thắt lưng dưới vòi nước đầu tiên. Khi họ đã tự làm sạch dưới vòi đầu tiên, họ vào hàng tiếp theo. Quá trình này được tiếp tục cho đến khi họ tự thanh tẩy dưới mỗi vòi nước. Tuy nhiên, có hai vòi được dùng riêng để tẩy uế cho người chết, chứ không dùng cho người sống trong nghi lễ melukat.

Đằng sau bể tắm là khu cuối cùng của đền suối thiêng. Hầu hết du khách đến Bali thường bỏ qua bởi sân trong hoặc sân sau là một nơi an tĩnh để mọi người đến cầu nguyện. Phần phía trước sân có dòng suối lớn cấp nước cho các bể thanh tẩy.

Dòng suối ở đây ngập tràn tảo xanh và những chú cá nhỏ bơi giữa đám lau sậy. Phía sau suối là những đền thờ lớn của đạo Hindu được trang trí rực rỡ, tương phản với bộ quần áo trắng của những người Bali đến đây cầu nguyện.

Bên ngoài Tirta Empul là một hồ cá koi lớn. Phần này của ngôi đền có tường bao bốn phía, tách biệt với phần còn lại của cả khu, tạo nên một bầu không khí yên tĩnh và thư giãn.

Gắn liền với nước, đền Tirta Empul là điểm du lịch vô cùng yên tĩnh và một trải nghiệm thực sự tuyệt vời về văn hóa của người Bali.

Tác giả:Thành Nguyễn – Tạp chí nước