Mùa xuân về trên rẻo cao Tây Bắc
Khi những ngày tấp nập dịp cuối năm qua đi giữa làn hơi lạnh giá của mùa đông còn vương vấn, xuân về cũng là lúc ghi dấu thời khắc đất trời bắt đầu một vòng quay mới. Thời tiết còn chưa vội chuyển mình nhưng sắc xuân rực rỡ, vui tươi rộn ràng đã lan tỏa đến mọi bản làng nơi vùng cao Tây Bắc, thổi làn hơi ấm, rạo rực len lỏi vào từng căn bếp nhỏ, sưởi ấm lòng người dân bản địa cũng như từng du khách đến nơi đây.
Sắc hoa rực rỡ đại ngàn
Xứ sở Tây Bắc được mệnh danh là vùng đất đẹp và đượm tình nhất Việt Nam với phong cảnh núi non trùng trùng, điệp điệp, những thửa ruộng bậc thang rực rỡ sắc màu, khung cảnh vừa nên thơ, vừa hùng vĩ. Lên Tây Bắc mùa nào cũng đẹp, thời tiết bốn mùa mát mẻ, trong lành với đầy hoa thơm, trái ngọt. Đặc biệt khi mùa xuân đến đem theo sức sống khắp muôn nơi, cả vùng Tây Bắc như một tấm khăn thổ cẩm rực rỡ sắc màu, bừng sáng lên vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng hiểm trở cùng những cánh đồng hoa bạt ngàn trải dài dưới các thung lũng, triền núi, triền đồi. Đến với các cung đường nơi miền Tây Bắc, ta như lạc giữa tiên cảnh đẹp mê hoặc lòng người.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Ngay từ đầu những tháng cuối năm, hoa cải trắng ở Mộc Châu đã nở rộ từ khắp các thung lũng, với vẻ đẹp mộc mạc tinh khôi như đưa du khách tới một thế giới trong veo, lãng mạn như chốn bồng lai, tiên cảnh. Đây đó trên vùng đất Tây Bắc, hoa cải vàng cũng mọc thành từng cánh đồng có khi rộng dài thăm thẳm, nhưng cũng có khi chỉ là những khóm nhỏ mọc vô tình dưới cội cây già trước cửa những ngôi nhà của đồng bào dân tộc. Những bông hoa cải bé li ti buổi sớm chìm trong làn sương trắng giăng giăng rồi lại bừng lên rực rỡ khi nắng lên xua tan sương mờ.
(Nguồn ảnh: Internet)
Từ đầu tháng Giêng Âm lịch là mùa của hoa đào, hoa mận. Sắc hồng rực rỡ của hoa đào cũng chính là tín hiệu đầu xuân báo hiệu một năm mới căng tràn nhựa sống đang ùa về. Đến với những cung đường trên vùng cao Tây Bắc, nhất là trên các bản làng Sa Pa đều có thể dễ dàng bắt gặp những gốc đào lâu năm được trồng ngoài bản, trước cửa nhà, trên đường đi qua bản. Đào phai phơn phớt hồng, đào rừng thì đỏ thắm. Còn ở trên các cao nguyên, thung lũng Mộc Châu, những bông hoa mận bung màu trắng tinh khôi, điểm xuyết những chồi non, lộc biếc khiến cho bức tranh khung cảnh Tây Bắc đẹp hoang sơ mà say đắm.
Khi những cơn mưa xuân làm rơi rụng những cánh hoa đào cũng là lúc hoa ban vào mùa nở rộ. Cùng với những đồi chè, thửa ruộng bậc thang, những con đường uốn lượn đã cùng góp thêm sắc màu cho bức tranh khung cảnh Tây Bắc ngày xuân.
(Nguồn ảnh: Internet)
Đậm đà bản sắc lễ hội vùng cao
Miền núi Tây Bắc hội tụ hơn 20 tộc người cư trú vì thế các Lễ hội xuân nơi đây thường rất đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc trong đó phải kể đến cộng đồng người Tày, Nùng có Lễ hội Lồng Tồng; Cộng đồng người Thái, Mường có Lễ hội Cầu an; người Mông có Hội Gầu Tào; đồng bào dân tộc Tày, Dao có Lễ hội Xuống đồng… Mỗi lễ hội đều có nét đặc trưng riêng nhưng đều được đồng bào các dân tộc tổ chức để cảm tạ các vị thần linh cai quản núi rừng, sông suối, cầu mong cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa người dân mạnh khỏe, no ấm.
Lễ hội Roóng Poọc của người Dáy Tả Van theo tiếng Giáy thì “Roóng” nghĩa là xuống, còn “Poọc” nghĩa là đồng ruộng, vì thế lễ hội được tổ chức ở cánh đồng, nằm bên dòng suối Mường Hoa thơ mộng. Đây là lễ hội cầu mùa, mở đầu cho một năm mới thuận lợi, cầu mong thần linh phù hộ cho ngô lúa tốt tươi, chăn nuôi phát triển, xóm làng bình yên, mọi người khỏe mạnh.
(Nguồn ảnh: Internet)
Lễ hội Xên bản, xên mường (lễ hội cầu an) là một lễ hội lâu đời của dân tộc Thái, có từ thế kỷ 13 thường diễn ra khi mùa hoa ban nở khoảng tháng Giêng hoặc tháng 2 Âm lịch. Qua lễ hội đồng bào tạ ơn trời đất, tổ tiên, tỏ lòng biết ơn đến các vị thần linh đã khai sáng, lập bản, dựng mường cũng cầu xin trời đất cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, làm ăn phát triển, cầu mong cho người Thái được ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội xuống đồng hay còn gọi là hội cầu mùa của đồng bào dân tộc Mường thường được tổ chức vào đầu tháng giêng âm lịch hàng năm. Nét đặc sắc của lễ hội là nghi thức rước vía lúa có từ hàng ngàn năm để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người được bình an, khỏe mạnh. Những bó lúa đẹp nhất được rước, dâng cúng thần linh, sau những nghi thức tâm linh, lúa giống sẽ được phân phát về cho các bản, mở đầu cho mùa sản xuất trong năm.
Lễ hội nhảy lửa (Nguồn ảnh: Internet)
Lễ hội nhảy lửa là một trong những lễ hội mùa xuân độc đáo, lạ lùng, được nhiều người biết đến ở miền núi cao Tây Bắc. Lễ hội nhảy lửa thường được dân tộc Dao và dân tộc Pà Thẻn tổ chức vào khoảng thời gian cuối năm đến ngày rằm tháng Giêng Âm lịch. Theo quan niệm của các dân tộc này, tổ chức lễ hội nhảy lửa để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu mong thần linh tiếp tục che chở phòng tránh được tai ương, cuộc sống ấm êm no đủ.
Lễ hội Gầu Tào là lễ hội mùa xuân truyền thống được người Mông trông chờ nhất vào dịp đầu xuân. Liên quan đến nguồn gốc lễ hội Gầu Tào, nhiều người Mông kể lại rằng, trước đây những cặp vợ chồng người Mông nào lấy nhau nhiều năm chưa sinh được con cái, người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó cầu xin thần đồi, thần núi phù hộ gia đình sinh được con. Nếu sau khi các thần nghe thấu lời thỉnh cầu phù hộ gia đình sinh được con như ý nguyện, trong 3-5 năm, gia đình đó sẽ tổ chức lễ Gầu Tào mời họ hàng, làng bản đến chia vui, tạ ơn các vị thần đã giúp đỡ.
Các lễ hội văn hóa được tổ chức vào mùa xuân của đồng bào dân tộc Tây Bắc dù đa dạng phong phú nhưng đều có phần hội với nhiều hoạt động văn hóa độc đáo như: Múa khèn, múa gậy, ném còn, thi bắn nỏ, thổi đàn môi, hát giao duyên… Lễ hội đầu xuân cũng là dịp để các đôi trai gái mặc quần áo đẹp, xúng xính khăn váy đi dự hội, đi chợ phiên, chợ tình, trao nhau tiếng cười, câu chuyện và là nơi nên duyên của nhiều cặp vợ chồng. Cùng với muôn hoa đua nở, các lễ hội văn hóa đã góp phần tô điểm cho rẻo cao Tây Bắc không chỉ là một bức tranh phong cảnh tĩnh lặng mà còn bừng lên không khí sinh động, từng bừng và tràn đầy sức sống trong những ngày xuân./.
Nguồn sưu tầm