Punakha Dzong – Không gian văn hóa tuyệt vời của Bhutan

Chưa có một “thành phố cố đô” nào trên thế giới lại cho người lữ khách cảm nhận được một cảm giác rất khác lạ khi đặt chân đến Punakha, cố đô của trú xứ Bhutan.

Đường vào Punakha Dzong đi ngang qua sông Mẹ (Mochu).

Có lẽ trải qua một thời gian dài thăng trầm lịch sử của Bhutan, Punakha đã không còn giữ được phong độ hào nhoáng bề ngoài của một kinh đô xa xưa! Cố đô này, ngày nay không còn hẳn là một thành phố theo đúng tiêu chuẩn hiện đại, không có những kiến trúc xây dựng to lớn vĩ đại. Nhưng Punakha lại cho người thưởng ngoạn cảm nhận được những nét đẹp văn hóa thâm trầm của Bhutan tỏa sáng giữa không gian thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng Punakha Valley.


Thành phố nhỏ Punakha nằm cách thủ đô Thimpu của Bhutan về hướng Đông khoảng hơn 70 km, con đường không dài lắm nhưng du khách cũng mất khoảng hơn hai tiếng xe mới đến được thành phố nhỏ này.

Gọi Punakha là một thành phố thì cũng hơi quá, nhưng nếu gọi là ngôi làng thì cũng không ổn vì nó cũng không quá nhỏ. Dân số Punakha chỉ khoảng15,000 dân nhưng để thưởng ngoạn thắng cảnh thiên nhiên, ngắm xem phong thái kiến trúc và tìm hiểu văn hóa – tôn giáo Bhutan thì Punakha Dzong là một điểm đến không thể thiếu khi khách đã đến đây.

“Dzong” là một từ ngữ biểu tượng trong lịch sử đất nước Bhutan để ám chỉ đến một địa danh giống như một thành lũy bao gồm có lâu đài, cung điện vua, và tu viện. Tất cả các sinh hoạt chính trị, hành chính và tôn giáo của Bhutan đều được điều khiển từ các “Dzong.” Tùy theo kích thước từng địa phương mà các “Dzong” lớn nhỏ khác nhau. Nhưng đặc biệt nhất, nổi tiếng nhất, cổ kính nhất, biểu tượng nhất và có lẽ đẹp nhất ở Bhutan phải là Punakha Dzong.

Punakha Dzong nguyên thủy được xây dựng từ thế kỷ 17 dưới thời vua Zhabdrung Namgyal, người đã có công thống nhất Bhutan. “Cung điện và tu viện” này không chỉ là nơi đóng đô của nhà vua mà còn là thành lũy để ngăn chận sự xâm lăng của các lân bang. Chính vì thế mà vị trí Punakha Dzong được chọn lựa nằm giữa hai con sông Phochu (sông Cha) và Mochu (sông Mẹ). Đây cũng là một cách tiết kiệm công sức quân sĩ, thay vì người ta phải đào hào chung quanh thành luỹ ngăn ngừa quân giặc thì nhà vua Bhutan dùng hai dòng sông thiên nhiên để làm hào.

Năm 1907, Punakha Dzong được trùng tu và xây dựng lại, cây cầu xưa cũ đã được thay thế bằng cây cầu một nhịp dài 55 mét nối liền “Dzong” và bên kia sông Mẹ Mochu, tạo thành một không gian nhẹ nhàng thanh thoát cho người thưởng ngoạn.

Bhutan có nhiều sông, nhưng dòng sông nào cũng chảy xiết vì độ dốc của dãy Himalayas xuôi về Đông Nam lục địa Á-Ấn. Không có thuyền bè đưa bạn sang sông, bạn muốn bơi cũng không được vì độ lạnh của nước sông. Những ai ỷ tài bơi giỏi mà nhảy xuống bơi ở đây thì thật là đùa giỡn với tử thần! Bạn nên nhớ, Bhutan ở trên độ cao gần 2,000 mét và nước sông khá lạnh. Nếu muốn vào thăm hay du ngoạn bên trong “Dzong,” bạn chỉ có một cách duy nhất là bạn phải đi qua cầu.

Cổng vào Punakha Dzong không phải là một cổng “Tori” theo kiến trúc Nhật Bản, cũng không phải là một cổng “tam quan hay Ngọ Môn” theo kiến trúc Trung Hoa. Cổng vào của “Dzong” là một tòa nhà với hơn hai chục bậc thang đá. Qua khỏi các bậc thang đá, du khách bước lên thêm hơn một chục bậc thang gỗ nữa mới đến được trước cổng để vào trong “Dzong.”

Họa tranh miêu tả ý nghĩa “Có Phật trong Phật là Chân Phật,” “Không có Phật trong Phật là Ảo Phật.”

Kiến trúc cổng vào bằng gỗ, hoàn toàn theo phong thái Bhutan. Các hình vẽ màu vàng trên các cây gỗ màu sắc nâu đỏ thẫm (màu sắc áo của các vị sư Bhutan) làm nổi bật cổng thành “Dzong” cao lớn. Đứng trên thềm cổng, khách bắt gặp hình ảnh của ông Guru Liên Hoa Sinh vẽ trên tường. Đây là một hình ảnh mà người dân Bhutan luôn tôn kính, xem ông như một vị Phật, một vị Bồ Tát trong đời sống tâm linh của họ.

Bước sâu vào trong chút nữa, những ai biết sơ qua về triết lý Phật Giáo thì đều có thể nhận thấy ngay hình ảnh của “tứ đại thiên vương”(theo quan niệm Phật Giáo Trung Hoa) đã được vẽ biến tướng theo quan niệm Phật Giáo Bhutan, những hình ảnh này được vẽ dọc theo con đường dẫn đến tòa tháp chính của “Dzong.”

Đây là điện thờ của hai “tượng hợp nhất” Chakrasamvara và Dakini Dorje Phagmo theo Phật Giáo Tây Tạng biểu hiện hình ảnh “ta tuy hai mà một.” Những ai chưa hiểu sự tinh túy thâm sâu của Phật Giáo Bhutan đều ngỡ ngàng về các hình ảnh này. Các hình ảnh hoàn toàn khác lạ triết lý với các nhánh Phật Giáo Tiểu Thừa và Đại Thừa (Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Nam Hàn) mà chúng ta không bao giờ gặp.

Năm 1955, nhà vua thứ ba của Bhutan quyết định dời đô từ Punakha về Thimpu. Nhưng không vì thế mà ngày nay Punakha Dzong mất hết đi những ảnh hưởng của nó. Các buổi lễ lên ngôi của các vị vua Bhutan thứ 4 và thứ 5 đều được cử hành lễ lên ngôi vua ở đây.

Năm 2011, lễ cưới của nhà vua “điển trai” thứ 5 là Jigme Khesar Namgyel Wangchuck và công nương tuyệt sắc Jetsun Pema cũng được tổ chức linh đình tại Punakha Dzong. Điều này càng làm cho mọi người nhìn thấy được sự ảnh hưởng mạnh mẽ của cố đô Punakha đến lịch sử văn hóa Bhutan.

Họa tranh miêu tả về triết lý Phật Giáo Bhutan.

Cần nói thêm, tu viện trong Punakha Dzong là một nhánh Phật Giáo Ninh Mã ảnh hưởng từ bên Tây Tạng nên các bức tranh do tu viện Punakha trình bày khác hẳn với nhiều tu viện khác. Mỗi một “Dzong” của Bhutan đều có cách trình bày về văn hóa và triết lý sống và Phật Giáo của từng địa phương theo cách riêng tư của họ. Nhưng tất cả các cách trình bày miêu tả này đều là những điểm học hỏi vô cùng quý giá cho những ai có cái nhìn nghiêng về góc cạnh tâm linh. Ý nghĩa của các bức tranh tôn giáo cho phép người ta tìm hiểu thâm sâu hơn về các ý nghĩa đích thực của đời sống tâm linh và đời sống hiện hữu giữa trần thế này.

Trong số các “Dzong” tôi có dịp đi qua, có lẽ phần văn hóa và triết lý Phật Giáo miêu tả bằng các nét vẽ nghệ thuật của Punakha Dzong là những điểm thu hút tâm tư tôi nhiều nhất. Cứ tưởng các bức tranh “vẽ để mà vẽ,” không mang một ý nghĩa gì. Nhưng đôi khi những bức tranh tưởng như vô bổ đó lại giúp ích cho nhiều người nhận ra ngay những điểm lấn cấn hay những điều suy tư không rõ ràng vẫn nằm trong trí óc của mình.

Tôi vô tình bắt gặp hai bức tranh được vẽ cạnh nhau. Cả hai bức vẽ về Phật nhưng một bức vẽ trong lòng Phật chỉ là một khoảng không, có nghĩa “không có Phật trong lòng Phật.” Còn một bức vẽ bên ngoài là hình Phật và trong lòng Phật cũng có Phật, có nghĩa là “có Phật trong lòng Phật.”

Bức tranh giúp tôi giải tỏa nhiều điều vì mình không thể hiểu được về đời sống thực và ảo giữa trần thế. Thì ra “có Phật trong Phật mới là Chân Phật,” “không có Phật trong Phật thì chỉ là Ảo Phật.” Ảo Phật chỉ là một bề ngoài mang hình ảnh Phật, nhưng trong lòng chỉ là một tâm tư rỗng tuếch. Vì thế người ta chỉ khoác vỏ áo Phật bên ngoài thân xác, nhưng trong tâm họ Phật luôn luôn đi vắng. Bức tranh đã cho tôi cảm nhận được một sự hạnh phúc rất nhẹ len vào trong tâm, giúp cho tôi có dịp nhìn lại đời sống nhẹ nhàng hơn.

Phần điện thờ chính trong Punakha Dzong là một điện thờ có phần kiến trúc giống như bên Tây Tạng, có hơi khác là phần bên ngoài điện thờ được trình bày bằng các hình vẽ diễn tả về phần tâm linh, phần nhân sinh quan và vũ trụ quan của con người theo Phật Giáo Tây Tạng phái Ninh Mã. Để thưởng ngoạn những bức tranh này du khách cần một người hướng dẫn thông thạo và hiểu biết về triết lý Phật Giáo giúp mọi người hiểu rõ về nếp suy nghĩ tôn giáo hoàn toàn khác hẳn của người dân Bhutan.

Trong điện thờ ba ngôi tượng Phật lớn, chính giữa là Phật Thích Ca Mâu Ni, ông Guru Liên Hoa Sinh và ông Zhabdrung Namgyal người đã có công khai sáng ra đất nước Bhutan. Người dân Bhutan tôn thờ vua Zhabdrung Namgyal như một vị Phật. Punakha Dzong cũng chính là nơi an nghỉ của ông.

Punakha Dzong không phải chỉ là một thành lũy lớn, mang kiến trúc Bhutan rất đẹp nằm xen giữa sông Cha sông Mẹ bên Punakha Valley. Đây còn là một không gian văn hóa tuyệt vời cho những ai thích trầm ngâm suy tư về ý nghĩa đời sống. Biết đâu không gian đó lại có thể giúp cho con người tìm lại được chính mình.

Trần Nguyên Thắng – Nguồn Người Việt