Sống chậm ở Luang Prabang

Những ngày ở cố đô Luang Prabang – thành phố của Lào lần thứ hai liên tiếp được vinh danh là thành phố du lịch sạch tiêu chuẩn của ASEAN, tôi như thấy cuộc sống trôi chậm đi…

“Nếu chưa đến Luang Prabang xem như bạn chưa đến Lào” – người Lào đã ví von như vậy, như một lời mời gọi chân thành với người lữ khách khi tìm về vùng đất cố đô của đất nước Triệu Voi, di sản văn hóa thế giới, điểm đến thanh bình và thú vị của những người ưa xê dịch.

Những ngày ở Luang Prabang – thành phố du lịch sạch ASEAN, tôi như thấy mình sống chậm…. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Cố đô trên ngã ba sông

Luang Prabang cách thủ đô Vientiane (Lào) 300 km về phía Bắc, nằm ở ngã ba sông Mekong và Nam Ou. Nơi đây từng là kinh đô của vương quốc cổ Lan Xang từ năm 1354. Theo tiếng địa phương, Luang có nghĩa là làng, Prabang có nghĩa là Phật mình vàng.

Cố đô Luang Prabang được UNESCO phong tặng danh hiệu Di sản văn hóa thế giới vào năm 1995. Nơi đây hội tụ nhiều công trình kiến trúc độc đáo đậm nét văn hóa Phật giáo với ngôi chùa nổi tiếng mang tên Wat Xiengthong, những cố cung, đền đài… Những công trình mang dấu ấn đặc trung của Lào tọa lạc bên dòng sông Mekong và dòng Namkhan với thác nước Kuangsi hùng vĩ. Dù là điểm đến thu hút khách du lịch nước ngoài, nhưng nơi đây chưa bao giờ bị làn sóng du lịch nhấn chìm bởi những cửa hiệu đông đúc và những quầy bar ồn ào.

Chúng tôi đến Luang Prabang sau 5 ngày rong ruổi ở Vientiane và Vangvieng. Sau 6 tiếng ngồi lắc lư trên xe buýt, chúng tôi đã có mặt tại cố đô khi trời đã sẩm tối. Trên đường về homestay đã đặt sẵn qua Internet, tôi phần nào nhận ra một vẻ đẹp dáng dấp kiến trúc kiểu miền Nam nước Pháp, trên tuyến phố chính là những căn biệt thự thời Đông Dương và cả những nhà gỗ kiểu đặc trưng truyền thống của Lào.

Luang Prabang cũng như thủ đô Vientiane và Vangvieng mà chúng tôi đã đi qua, nơi đây là một thành phố nhỏ và bình yên. Dù đông khách du lịch, nhưng so với Vientiane vẫn chưa phải là một đô thị sầm uất và so với thành phố trẻ trung và náo nhiệt như Vangvieng thì nơi đây dành cho những người tìm đến một nơi để thả mình vào góc bình yên.

Căn homestay chúng tôi đặt ở cách trung tâm chưa đầy 1km, nhưng phải mất chừng 20 phút, người lái xe taxi mới tìm được địa chỉ. Chủ homestay là một thanh niên Việt Nam, đã có ba năm sống ở Lào. Căn homestay chúng tôi thuê rộng rãi, sạch sẽ và làm hoàn toàn bằng gỗ và nằm ngay cạnh ngôi chùa nổi tiếng Wat Xiengthong. Phía trước homestay là hàng rào bằng cây xanh mướt, được tỉa tót bằng phẳng.

Nơi những ngôi chùa in dấu

Luang Prabang – nơi ghi dấu nguyên những di tích cổ, những cung điện, chùa tháp dù trải qua thời gian, chiến tranh. Cố đô của Lào có đến gần 40 ngôi chùa cổ, trong đó hầu hết được xây dựng từ thế kỷ XIV và nhiều cung điện tráng lệ của các thời phong kiến thịnh trị được thành lập cách nay khoảng 1.200 năm.


Một nhà sư sau buổi khất thực trở về ngôi chùa Wat Xiengthong. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ở Lào, cuộc sống cộng đồng đều lấy phật giáo làm tâm điểm, với nhịp sống chủ đạo là bước chân của phật tử. Mọi con đường lớn nhỏ trong thành phố đều thấp thoáng ánh vàng. Dưới ánh nắng, sắc vàng rực rỡ của những mái chùa cùng màu áo vàng của những nhà sư hòa vào sắc màu chung ấy.

Chúng tôi đặt homestay ngay sát ngôi chùa cổ nổi tiếng Wat Xiengthong – ngôi chùa được in trên tờ tiền 2.000 Kip Lào. Ngôi chùa Wat Xiengthong được xây dựng theo lối kiến trúc đặc thù của Lào với mái cong cong buông xuống gần mặt đất, bao quanh là những miếu nhỏ có cùng lối kiến trúc, hợp thành một phong cảnh tuyệt đẹp. Ở đây còn là nơi lưu giữ bức tượng phật nằm nức tiếng, từng “ngụ” trong bảo tàng Paris sau đó được đưa về ngôi chùa này của Luang Prabang năm 1964.

Có lẽ chính vì vậy, mà người ta mới nói rằng, giống như người theo đạo Hồi phải cố gắng đến được thánh địa Mecca một lần trong đời thì với người dân Lào, đến được chùa Xieng Thong một lần trong đời là điều thiêng liêng.

Ngoài Wat Xiengthông, còn biết bao công trình cổ kính, những mảnh vàng son của quá khứ khác luôn được trân trọng, bảo vệ và hiện hữu trong cuộc sống của mỗi người dân Lào và để lại những cảm nhận riêng đối với du khách khi đến với vùng đất cố đô.

Vào buổi chiều cuối cùng ở Luang Prabang lên máy bay về Việt Nam, tôi thuê chiếc xe đạp, chạy lòng vòng quanh thành phố, thấy lòng mình bình yên và dường như phải lòng nơi đây mất rồi.

Dừng bên bờ sông, ngắm dòng người lên xuống những con đò ngang, ánh hoàng hôn rực lửa đang dần khuất xa, nhớ lại những ngày ở cố đô, để ghi lại ký ức về một phần cuộc sống mình từng mơ ước…

Nguồn: báo quốc tế