Thừa Thiên Huế – điểm hành hương linh thiêng dịp Tết Nguyên đán

Rất nhiều thế hệ người nghe nhạc Trịnh Công Sơn nhưng có lẽ chỉ một số ít người biết bài hát “Sóng về đâu” được nhạc sĩ lấy cảm hứng từ câu kệ “Gate Gate Pāragate Pārasaṃgate Bodhi Svāhā” (Bát Nhã Tâm Kinh). Bản thân ông luôn nhận định mình là Phật tử nên Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông từ tấm bé; để rồi khi lớn lên, trong các bài hát của mình ông đều đặt để vào những ngôn từ và triết lý nhà Phật. Bởi vì đạo Phật ở Huế đã thấm đẫm vào con người ông, ấy chính là Đạo đã bước vào Đời.

Những người hành hương chọn Thừa Thiên-Huế là điểm đến ngày xuân để chứng tỏ lòng thành của mình với Phật giáo có lẽ cũng đã nghĩ như cố nhạc sĩ họ Trịnh: không gian thiền định ở Huế là nơi linh thiêng để họ tìm được sự thanh tịnh cũng như tu tâm, dưỡng tính, hướng thiện.

CHÙA THIÊN MỤ

Đi dọc đường Nguyễn Phúc Nguyên về phía tây theo dòng sông Hương chúng ta sẽ được thấy ngôi chùa cổ nhất Huế – chùa Thiên Mụ (chùa Linh Mụ). Ngôi chùa nằm trong Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 11/12/1993. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.

Chùa Thiên Mụ – ngôi chùa cổ xưa nhất Huế

Với địa thế từ trên đồi cao nhìn xuống ngã ba sông xanh biếc một màu nước Hương Giang, nhìn ra xa xa núi non lô nhô xanh ngắt một màu thông, Thiên Mụ là một ngôi chùa bài trí rất nên thơ, phù hợp để vãn cảnh ngày xuân.

Biểu tượng của vẻ đẹp thơ mộng, nên thơ xứ Huế

Một biểu tượng gắn liền với chùa Thiên Mụ là tháp Phước Duyên. Tháp cao 21 m, gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa vào năm 1844. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện, trên nóc đặt Pháp luân – bánh xe Phật pháp là một biểu tượng của Phật giáo.

Nhiều bạn trẻ check-in ở Tháp Phước Duyên khi đến du lịch tại Huế.

CHÙA TỪ ĐÀM

Đi về phía bờ Nam của sông Hương, tọa lạc lại số 1 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An là ngôi chùa cổ danh tiếng – chùa Từ Đàm. Chùa do Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung khai sơn vào khoảng cuối thế kỷ XVII, sau đó được đặt tên là chùa Ấn Tôn với ý nghĩa là “lấy sự truyền tâm làm tông chỉ”. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên chùa Ấn Tôn thành Từ Đàm (do kỵ húy tên vua là Miên Tông), với ý nghĩa là “đám mây lành của Phật pháp”.

Cổng tam quan chùa Từ Đàm

Bước vào cổng chùa Từ Đàm, bên phải sân là cội bồ đề có nguồn từ cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ (tức nơi Phật Thích Ca thành đạo). Điện Phật trong chính điện được bài trí tôn nghiêm, nhưng đơn giản. Chính giữa chỉ thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca, hai bên có phù điêu hai vị Bồ tát là Văn Thù và Phổ Hiền. Phía trên chánh điện có treo tấm biển sơn son thiếp vàng đề ba chữ Hán: “Ấn Tông Tự”. Hai bên tấm biển này là cặp câu đối cũng sơn son thiếp vàng. Ngoài ra, ở ngoài hiên chùa còn có cặp đối của nhà yêu nước Phan Bội Châu và của cư sĩ Tâm Minh (bác sĩ Lê Đình Thám).

Phía trước chùa Từ Đàm

CHÙA TỪ HIẾU

Một trong những ngôi cổ tự lớn và là một danh lam có tính văn hóa và lịch sử của cố đô Huế là chùa Từ Hiếu.

Chùa Từ Hiếu hay còn có tên gọi là Tổ Đình Từ Hiếu

Chùa Từ Hiếu nằm ở thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân. Năm 1843, hòa thượng Nhất Ðịnh đã đến đây khai sơn, dựng “Thảo Am An Dưỡng” để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già. Ông nổi tiếng là người con có hiếu, băng rừng vượt suối để mua cá nấu cháo cho mẹ già ăn. Câu chuyện cảm động vang đến tai vua Tự Đức vốn là vị vua có hiếu với mẹ, vua rất cảm phục trước tấm lòng của sư Nhất Định nên ban cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự”. Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó.

Cổng chùa toát lên vẻ linh thiêng cổ kính

Vào thăm chùa Từ Hiếu ta không chỉ được nghe kể về tích hiếu đức làm đầu của người Việt, không chỉ là nơi tâm linh thờ cúng Phật pháp mà ta còn có thể lắng tai nghe thông reo, chim hót, nhìn cá lội tung tăng trong hồ, thoáng chút thâm trầm, u tịch… với cảnh sắc xung quanh chùa.

Cảnh sắc xung quanh chùa Từ Hiếu

CHÙA HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG

Để mường tượng ra cảnh đẹp vừa kỳ lạ, vừa huyền ảo người Huế sẽ nghĩ ngay đến chùa Huyền Không Sơn Thượng, một ngôi chùa nổi tiếng, một danh lam thắng cảnh nức lòng du khách thập phương.

Huyền Không Sơn Thượng nằm giữa một rừng thông bạt ngàn

Huyền Không Sơn Thượng tọa lạc tại thôn Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà. Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông, được Thượng tọa Giới Đức khai sơn năm 1989. Chùa nằm giữa rừng thông, lại không có cổng Tam quan to lớn nên nhìn vào có cảm giác như cổng của một ngôi nhà sân vườn Huế. Khuôn viên chùa là một khu vườn xanh ngắt với những dòng suối nhỏ nở đầy bông súng tím, những giò hoa phong lan quý, những cây sứ, thiên tuế, tùng, bách… cổ thụ hàng trăm năm tuổi, không gian yên ả thanh bình.

Cổng chùa có cảm giác như cổng một căn nhà sân vườn Huế

Chánh điện chùa là biến thể của một ngôi nhà rường Huế với phong cách kiến trúc và chất liệu truyền thống để giữ dáng dấp hồn Huế, hồn Việt, lấy sự hài hòa với thiên nhiên, với hồn thơ làm ý tưởng chủ đạo; nhẹ vai trò tín ngưỡng, trọng tâm là hướng sống thiền, sống đạo.

Chánh điện chùa Huyền Không Sơn Thượng

Am mây tía là nơi ở, thư phòng, nơi tiếp khách và viết thư pháp của sư trụ trì. Đây cũng là nơi những người yêu thích văn chương thi phú, nghệ thuật thư pháp tìm đến để đàm đạo, bình thơ, luyện bút, khoe chữ…

Am Mây Tía – Chùa Huyền Không Sơn Thượng


Khuôn viên chùa Huyền Không Sơn Thượng


Thiên nhiên tuyệt sắc trong chùa Huyền Không Sơn Thượng


Những câu kinh kệ khắc trên đá là biểu tượng của chùa Huyền Không Sơn Thượng

TƯỢNG PHẬT ĐỨNG

Tượng đài Quan Âm (hay còn gọi là Tượng Phật Đứng) được xây trên núi Tứ Tượng, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tượng Quán Thế Âm được thiết kế rất đẹp, rất cân đối, nét mặt Bồ Tát hiền từ độ lượng, tay trái cầm bình cam lồ, tay phải bắt ấn cam lồ, toàn thân khoác y trắng lượn sóng mềm mại, ngự trên tòa sen lớn có đường kính hơn 10 m. Tượng Ngài được đặt trên bệ lớn hai tầng; tầng trên là nơi thờ tự, tầng dưới để khách thập phương lưu trú, cũng như là nơi tá túc tạm của chư tăng, ni mỗi khi về dự lễ.

Tượng phật Đứng – Huế

Vào những ngày đầu xuân, Trung tâm Văn hóa Du lịch Tâm linh Quán Thế Âm nơi đặt tượng Phật Đứng luôn đông đúc người dân khắp mọi miền về đây ngắm cảnh và chiêm bái Quan Âm Phật đài. Phần đông, những ai đến viếng thăm chốn này đều cùng chung một tâm nguyện là cầu an cho mình và người thân, mong một năm mới với nhiều may mắn, sức khỏe, vạn sự như ý… Đến Huế rồi, đây nhất định là một địa chỉ đáng để vãn cảnh, đặc biệt là nhân dịp Tết Nguyên đán.

Du khách thập phương nô nức cầu nguyện năm mới

“Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp cho ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi. Với tôi Phật Giáo là một triết học làm cho ta yêu đời hơn chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống.” – Trịnh Công Sơn.

T.An Minh- Nguồn: Travellive