Tới Tây Tạng – để trở về vùng đất thiêng

Từ khi đọc tiểu thuyết “Mật mã Tây Tạng” vùng đất huyền bí này luôn thôi thúc mỗi du khách như tôi khám phá bằng được kỳ quan của nóc nhà thế giới…

Nằm trên cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng, Tây Tạng trải dài 1,2 triệu km2, chiếm 1/8 tổng diện tích của Trung Quốc. Không chỉ sở hữu núi cao, địa hình vùng đất này còn đa dạng với thung lũng sâu, sông băng và sa mạc.

Mạch nguồn những con sông lớn

Được mệnh danh là cực thứ ba của thế giới, Tây Tạng sở hữu nguồn nước và băng khổng lồ sau Bắc cực và Nam cực. Đặc biệt, vùng đất thiêng còn là nơi bắt nguồn của những con sông lớn ở châu Á như Mekong và Trường Giang. Với những đàn bò yak thủng thẳng gặm cỏ, những đỉnh núi tuyết như tranh vẽ, trời cao xanh ngắt với mây trắng bao trọn các đỉnh núi thiêng, du khách đã đặt chân tới nóc nhà thế giới, sẽ không bao giờ có thể quên…

Mặc dù có địa hình núi cao hiểm trở, nhưng Tây Tạng cùng với các tỉnh như Thanh Hải, Nam Ninh được coi là 03 tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc đã thay da đổi thịt bởi cơ sở hạ tầng phát triển. Trong những năm gần đây, với sự phát triển của du lịch, hệ thống khách sạn nhà nghỉ của Tây Tạng được cải thiện. Khách sạn và nhà nghỉ được xây dựng ở các thành phố lớn nhỏ, với một số khách sạn xếp hạng sao như Lhasa, Shigatse, Tsedang và Nyingchi.

Lhasa – trái tim Tây Tạng

Tây Tạng có nhiều chùa và tu viện, hầu hết đều được xây dựng trên núi. Mỗi người dân Tây Tạng tin rằng, ngọn núi là nơi ở của những vị thần, nơi linh thiêng để thờ cúng. Và Potala, cung điện Phật giáo nổi tiếng. Khi đặt chân tới Lhasa- trái tim của Tây Tạng mỗi du khách có thể dễ dàng nhận thấy cung điện nổi bật trên đỉnh núi.

Hành trình 20 tiếng của du khách chúng tôi thực sự bắt đầu với chuyến tàu Thanh Tạng từ Thanh Hải tới Lhasa dài 36 tiếng. Đây là chuyến tàu đặc biệt với rất nhiều hầm xuyên núi, qua vùng núi tuyết vĩnh cửu, phần lớn chạy trên độ cao hơn 4.000 m. Mỗi đầu giường lại gắn sẵn ống nối oxy trong trường hợp khách cảm thấy bị sốc độ cao. May mắn là đoàn chúng tôi lựa chọn đi tàu nên khi tới Lhasa du khách cũng thích nghi hơn so với di chuyển bằng máy bay.

Lhasa được mệnh danh là thành phố ánh dương với 3.000 giờ sáng mỗi năm… Xung quanh khu vực này và Lhasa từng tốp quân đội canh gác nghiêm cẩn, đi tuần tra khắp nơi. Cứ mỗi 100 m là một hệ thống camera quan sát nhưng cũng không ngăn được dòng người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đổ về chiêm bái, khám phá vùng đất thiêng này.

Người dân Lhasa rất sùng đạo Phật, du khách đặt chân tới đây, có thể thấy họ niệm phước lành với tràng hạt hoặc bánh xe cầu nguyện trong tay. Biểu tượng của Lhasa chính là cung điện Potala (Bố Đạt La), cao 117m với 13 tầng. Đây là nơi ở và làm việc của các vị Đạt Lai Lạt Ma – những lãnh tụ tinh thần của người dân Tây Tạng. Cung điện Potala có quy mô rộng đến 130.000m2, bao gồm hai tòa Hồng Cung và Bạch Cung, chứa hơn 1.500 phòng, hơn 10.000 tượng Phật, 20.000 tác phẩm điêu khắc, tháp vàng và lưu giữ nhiều bức tranh, kinh kệ quý giá.

Lhasa còn nổi tiếng với chùa Jokhang (chùa Đại Chiêu) xây dựng vào năm 693, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Chùa tọa lạc tại quảng trường Bát Giác ở trung tâm phố cổ Lhasa. Tới Chùa Jokhang gây ấn tượng cho du khách với bốn tầng mái lấp lánh mạ vàng. Đây là nơi hành hương quan trọng cho hàng triệu tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới, nơi họ thể hiện lòng thành kính và niềm tin với Đức Phật.

Văn hoá Phật Giáo Tây Tạng


Có lẽ mỗi du khách tới được Tây Tạng ngoài sức khoẻ cần có cả niềm tin, nhưng với tôi Tây tạng cuốn hút bằng nến văn hóa lâu đời, đó là Phật giáo Mật Tông. Tới vùng đất thiêng này, các tín đồ ngày ngày cầm trên tay bánh xe cầu nguyện miệng niệm chú, tam bộ nhất bái với tất cả tấm lòng thành kính. Họ không cầu xin cho bản thân, mà cầu xin cho thế gian được an bình, hạnh phúc. Với một người vô thần như tôi, tìm hiểu về mỗi tôn giáo là một điều thú vị, để tò mò xem sức mạnh nào đã có thể kết nối họ lại với nhau, tạo nên nền văn hóa đặc sắc đến vậy.

Tu viện Sera là một trong những tu viện lớn nhất của Tây Tạng còn gọi là Hoa Hồng xứ Tạng. Đoàn chúng tôi tới vào buổi chiều để được chứng kiến tranh biện. Vườn tranh biện là điểm thu hút đông đảo khách du lịch Tây Tạng. Đây là nơi các học giả Phật giáo trẻ tuổi thảo luận về giáo lý của nhà Phật. Những cuộc thảo luận này tương tự như các buổi học thực hành bắt buộc trong quá trình đào tạo, trao đổi và nâng cao kiến thức về giáo lý nhà Phật.

Đến, đi và trở về vùng đất thiêng là những trải nghiệm khó quên trong mỗi bước chân lữ khách khi đặt chân tới vùng đất thiêng đầy huyền bí… Tây Tạng.

Nguồn diendandoanhnghiep