Động Batu – Trải Nghiệm Khác Lạ Về Malaysia

Du Lịch Malaysia không chỉ đẹp và cuốn hút bởi những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như tháp đôi Petronas hay quảng trường Putrajaya…mà còn hấp dẫn và mê hoặc lòng người bởi các địa danh mang đậm nét văn hóa đặc sắc có ý nghĩa quan trọng đến đời sống tôn giáo của người dân nơi đây. Nổi bật trong số đó là động Batu (động đá), nơi gắn liền với lễ hội truyền thống rất đặc biệt có tên là Thaipusam.

Động nằm trong hệ thống núi đá vôi cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 13km về phía Bắc. Động Batu được nhà tự nhiên học người Mỹ, Whornarry cùng bạn đồng hành H.Csyhress, phát hiện lần đầu tiên vào năm 1878. Thế nhưng gần 30 mươi năm bị lãng quên trong rừng già, người dân nơi đây mới thực sự biết đến sự tồn tại nó nhờ có các công nhân Ấn Độ tại Malaysia phát hiện ra trong khi tìm kiếm nơi làm đền thờ các tượng thần. Từ đó, động trở thành nơi thờ phụng các vị thần Hindu giáo của người dân Ấn Độ sinh sống trên đất nước này.

Hệ thống động Batu rất đa dạng, bao gồm ba hang lớn và nhiều hang nhỏ nằm rải rác. Hang lớn nhất có tên Đền Thờ (Temple Cave) có chiều dài khoảng 200m và cao khoảng 100m, trong lòng thoáng và rộng rãi. Phía cuối hang là ngôi đền thờ cổ kính, kiến trúc đặc biệt gồm bộ mái trang trí nhiều bức phù điêu sơn phết sặc sỡ, mô tả các câu chuyện truyền thuyết về thần Shiva. Sau đền có cửa đi vào hang tối dài gần 2 km, nơi trú ngụ của đàn dơi. Nơi đây, hằng năm, vào một ngày tháng 10 theo lịch Ấn Độ giáo (khoảng giữa tháng 2 dương lịch), cộng đồng người Ấn Độ lại tổ chức lễ hội truyền thống Thaipusam.

Lễ hội Thaipusam là lễ hội ngôi sao tỏa sáng vì theo tiếng Malaysia, Thai nghĩa là tháng, Pusam là tên gọi của một ngôi sao thuộc dải ngân hà. Truyền thuyết xưa kể rằng, khi đất trời vừa hình thành, các vị thần sao ở thượng giới luôn bị ánh trăng chế ngự nên không thể tỏa sáng. Vì muốn cứu sao Pusam, thần Shiva đã dùng cây đinh ba phóng vào mặt trăng làm tiêu hao ánh sáng để sao Pusam rực sáng hơn. Bởi vậy, vào ngày lễ hội, tất cả các con đường dẫn đến động Batu đều được dựng cổng chào, giăng đèn kết hoa với đủ loại màu sắc rực rỡ, sống động. Khắp nơi vang vọng tiếng nhạc, tiếng trống, tưng bừng đón rước tượng thần từ đền Srimaha Mariamman ở Kuala Lumpur sang. Theo nghi thức của lễ hội, người tự nguyện thành tâm sám hối tội lỗi phải mang trên người kavadi (một loại trang phục thờ) làm bằng những vật thể sắc nhọn  từ gỗ, kim loại xiên thủng da thịt trên lưng, trên cổ, qua môi, lưỡi, mũi… Vật thể này thường được trang trí bằng hoa và lông công, có cái nặng gần 100kg và dài tới 2m. Họ theo đám rước vượt qua 272 bậc thang trước động Batu để lên đền thờ. Tội lỗi của người sám hối chỉ được gột rửa sạch sau khi vị chủ lễ vừa đọc kinh vừa tháo kavadi ra khỏi cơ thể và bôi thuốc cầm máu cho họ.

Rõ ràng là đến thăm động Batu là một trải nghiệm hoàn toàn khác về Malaysia với một không gian linh thiêng, huyền bí và đậm nét tôn giáo, khác hẳn với Malaysia náo nhiệt với những trung tâm thương mại sầm uất bề thế với những tòa nhà chọc trời.

Mai Lê – Nguồn Đại Biểu Nhân dân

Ảnh: Internet