Khám phá nét đặc sắc riêng của 5 chợ nổi nức tiếng miền Tây
Chợ nổi được xem là “linh hồn” của vùng miền Tây Nam Bộ. Nơi đây hấp dẫn du khách không chỉ vì nét đẹp sông nước hữu tình, mà còn bởi những trải nghiệm buôn bán, ăn uống trên ghe xuồng nhộn nhịp, độc đáo. Tuy cùng là chợ nổi, nhưng ở từng vùng, các khu chợ nổi lại mang những nét độc đáo, thú vị rất riêng.
Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ
Nằm ngay ngã ba sông (nhánh sông Cái Răng và sông Hậu), chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vào năm 2016, chợ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nơi đây đã từng có khoảng thời gian là nơi thu mua lúa gạo lớn nhất tại miền Tây của người Hoa Kiều.
Ngày trước khi còn là chợ bỏ sỉ, chợ nổi Cái Răng hoạt động từ 2h – 3h sáng. Người kinh doanh thường phải đi sớm vì đây là thời điểm các thương hồ đi lấy hàng ở những nơi khác về bán. Bây giờ, khi các hoạt động du lịch tại đây diễn ra sôi nổi hơn, thì chợ bắt đầu sinh hoạt từ 5h – 8h để phục vụ khách du lịch. Vào các ngày Tết Âm Lịch như mồng 1, mồng 2 Tết, Tết Đoan Ngọ, chợ hoạt động rất ít và hầu như không hoạt động.
Đây là chợ có nhiều du khách ghé thăm nhất và có nhiều quán ăn gây bão truyền thông nhất. Ở đây có rất nhiều hàng quán nổi tiếng như chiếc ghé bán bún màu hồng, món hủ tiếu được Gordon Ramsay (một đầu bếp nổi tiếng người Scotland, giám khảo của chương trình Vua Đầu Bếp Mỹ) khen là “nữ hoàng nước dùng”…
Ảnh: @maiiphuogg, @ploy.ngoc, @onghoangtrasua
Chợ nổi Long Xuyên – An Giang
Nằm trên dòng sông Hậu hiền hòa, chợ nổi Long Xuyên gần với thành phố Long Xuyên, An Giang nên rất thuận lợi cho du khách trong quá trình di chuyển. Không ồn ào, náo nhiệt như bao khu chợ nổi khác, chợ nổi Long Xuyên diễn ra vô cùng êm đềm giữa một không gian yên ắng, thanh bình. Do không chịu tác động bởi thương mại hóa du lịch, nên nơi đây bán hàng rất rẻ, có thể nói là chợ nổi bán hàng không bị ảnh hưởng giá của kinh doanh du lịch nhất. Người bán bằng sự niềm nở với tấm lòng chân chất, thật thà của một người con miền Tây thứ thiệt.
Ảnh: Miền Tây Có gì
Một nét đặc sắc của chợ nổi Long Xuyên là hình ảnh những “cây bẹo” có mặt ở khắp nơi thay cho những tiếng rao hối hả của người bán hàng. Người kinh doanh sẽ treo những mặt hàng mà ghe đó bán trên “cây bẹo” (tức là cây sào cao) để quảng bá cho du khách biết. Vì vậy, nếu bạn thắc mắc ghe thuyền đó bán gì hoặc muốn mua mặt hàng nào thì chỉ cần nhìn vào “cây bẹo”.
Ảnh: Miền Tây Có gì, @i.am.green, @meijinote
Chợ nổi Ngã Bảy – Hậu Giang
Thuộc thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, chợ Ngã Bảy hay còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp đã có hơn 100 năm tuổi đời. Chợ nổi Phụng Hiệp được thành lập từ năm 1915, đến những năm 40 trở đi, nơi đây trở thành nút giao thông đường thủy lớn nhất Nam Kỳ. Điểm độc đáo của ngôi chợ là chợ nằm tại ngã bảy – nơi có 7 con sông giao nhau. Địa điểm này trở thành trung tâm đầu mối diễn ra hầu hết các hoạt động buôn bán, trao đổi, trung chuyển của các tỉnh miền Tây với hơn 300 chiếc thuyền tụ tập mỗi ngày.
Nhờ vào sự độc đáo, mới lạ, chợ nổi Phụng Hiệp đã được ông Jacques Yves Cousteau – thuyền trưởng tàu Calypso nổi tiếng thực hiện một bộ phim tài liệu vào năm 1922. Người ta biết đến chợ nổi Ngã Bảy không chỉ là một khu chợ với bề dày lịch sử “khủng”, quy mô lớn, mà còn tò mò muốn ghé thăm bởi địa điểm này từng được nhắc đến trong bài vọng cổ nổi tiếng – Tình anh bán chiếu của cố soạn giả Viễn Châu.
Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn, Lan Hương
Chợ nổi Trà Ôn – Vĩnh Long
Chợ nổi Trà Ôn là chợ nổi cuối cùng trên sông Hậu trước khi đổ ra biển, nằm ngay giữa ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít, thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Khác với các chợ nổi khác, chợ nổi Trà Ôn thường họp chợ theo con nước. Chợ hoạt động cả ngày và đông đúc nhất là vào buổi sáng hoặc vào cao điểm của con nước lớn. Điểm đặc biệt của chợ nổi Trà Ôn là người kinh doanh bán các loại nông sản tươi nguyên theo nhóm hàng được nhà vườn phân phối theo dạng bán sỉ.
Sản vật chủ yếu của nơi đây là trái cây với đa dạng các loại như dừa, chuối, ổi, dứa, cam sành, cốc, bưởi, mít… Khi đến đây, du khách nên thử qua những món ăn đặc sản hấp dẫn, rất được yêu thích như cá chay hay bún bò viên ăn kèm với rau chuối,… Ở ngôi chợ này có một điểm làm nên “thương hiệu” đó là: người bán không nói thách mà người mua cũng không trả giá.
Ảnh: Tắc Chiến
Chợ nổi Ngã Năm – Sóc Trăng
Là giao điểm của năm con sông đổ đi năm ngả: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp, chợ nổi Ngã Năm nằm ở phường 1, thuộc thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Nơi đây được hình thành từ khá sớm, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của một khu chợ nổi sầm uất với nhiều hoạt động buôn bán sôi nổi, nhộn nhịp và phong cảnh sông nước hữu tình của vùng đất “chín rồng”.
Ảnh: Henry Lee, @alex._.hutra
Trong khi chợ nổi Cái Răng hoạt động chủ yếu phục vụ du lịch thì chợ nổi Ngã Năm lại là đầu mối giao thương quan trọng. Việc giao thương hàng hóa đặc biệt là nông sản tại đây góp phần vận chuyển nhiều hàng hóa hơn về các vùng xa xôi của mạn nam sông Hậu như Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu và cả bán đảo Cà Mau vì giao thông tại các địa điểm này còn nhiều hạn chế. Vì là nơi có các ghe lớn mua bán, phân phối hàng hóa nhất nên chợ nổi Ngã Năm họp chợ gần như cả ngày, từ 2, 3 giờ sáng.
Ảnh: @nhu.nguyen_, @haoduhi
Nguồn Afamily